Men gan cao là gì?
Men gan là loại enzyme quan trọng trong gan, đóng vai trò thiết yếu trong nhiều quá trình hóa học của cơ thể. Chúng tham gia sản xuất mật, giúp đông máu, phân hủy thực phẩm, lọc và đào thải độc tố, cũng như tăng cường khả năng chống nhiễm trùng.
Trong các xét nghiệm máu, những loại men gan phổ biến mà chúng ta thường gặp là AST, ALT và GGT. Khi gan bị tổn thương hoặc gặp vấn đề, những enzyme này sẽ bị giải phóng vào máu, dẫn đến sự gia tăng chỉ số men gan, dễ dàng được phát hiện qua các kết quả xét nghiệm.
Men gan cao có nguy hiểm không?
Đây là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra. Mặc dù men gan cao không phải lúc nào cũng gây ra nguy hiểm ngay lập tức. Nhưng nó là dấu hiệu cảnh báo rằng gan của bạn đang gặp vấn đề hoặc không hoạt động hiệu quả.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể kéo dài, dẫn đến những bệnh lý nghiêm trọng hơn như xơ gan, suy gan, hay thậm chí ung thư gan. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe gan mà còn có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho toàn bộ cơ thể. Chính vì vậy, việc theo dõi thường xuyên và can thiệp sớm khi phát hiện men gan cao là vô cùng quan trọng.
Chỉ số men gan bao nhiêu là cao?
Để xác định men gan cao hay không, chúng ta cần chú ý đến các chỉ số trung bình trong máu. Cụ thể như sau:
- Men ALT: Chỉ số bình thường dao động từ 5 - 37 UI/L.
- Men AST: Chỉ số bình thường nằm trong khoảng 5 - 40 UI/L.
- Men GGT: Chỉ số bình thường là từ 5 - 60 UI/L.
Các bác sĩ có những tiêu chuẩn cụ thể hơn để đánh giá tình trạng men gan. Tuy nhiên, để dễ nhớ, chúng ta có thể phân loại như sau:
- Mức độ nhẹ: Nếu men gan tăng dưới 100 UI/L.
- Mức độ vừa: Tăng từ 100 - 200 UI/L.
- Mức độ nặng: Trên 200 UI/L.
Việc nắm rõ các chỉ số này sẽ giúp chúng ta theo dõi sức khỏe gan tốt hơn.
Những triệu chứng cảnh báo men gan cao
Tăng men gan ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng, khiến cho việc nhận diện trở nên khó khăn, thậm chí dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Một số biểu hiện phổ biến mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm:
- Cảm giác mệt mỏi, suy nhược.
- Chán ăn, không muốn ăn uống.
- Đầy bụng, khó tiêu.
- Đau âm ỉ ở vùng hạ sườn bên phải.
Những triệu chứng này có thể rất mơ hồ, vì vậy nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào không khỏe hãy đi thăm khám bác sĩ.
Nếu những triệu chứng ban đầu không được theo dõi hoặc chẩn đoán kịp thời, tình trạng có thể tiến triển nghiêm trọng hơn. Khi bệnh nặng lên, các triệu chứng sau sẽ trở nên rõ ràng hơn:
- Vàng da và vàng mắt: Một dấu hiệu điển hình cho thấy chức năng gan bị suy giảm.
- Nước tiểu sẫm màu hoặc phân nhạt màu: Nước tiểu có thể chuyển sang màu nâu, trong khi phân có thể trở nên bạc màu.
- Xuất huyết và dễ bầm tím: Điều này cho thấy chức năng đông máu đã bị ảnh hưởng, khiến bạn dễ bị chảy máu hơn.
- Ngứa trên da: Cảm giác ngứa ngáy có thể xuất hiện do sự tích tụ của độc tố trong cơ thể.
- Cổ trướng và bụng to lên: Sự tích tụ dịch trong bụng có thể gây ra cảm giác khó chịu và cần được kiểm tra ngay lập tức.
Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào đã nêu, việc đi khám bác sĩ sớm là rất cần thiết. Việc phát hiện và chẩn đoán kịp thời sẽ giúp bạn có phương pháp điều trị hiệu quả. Từ đó có những biện pháp kịp thời hạ men gan cao và ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra. Đừng chần chừ khi cơ thể gửi tín hiệu cảnh báo!