Món ăn bài thuốc bổ tỳ dưỡng tâm từ hạt sen, đặc biệt tốt cho người thần kinh suy nhược

Hạt sen là một vị thuốc trong Đông y có rất nhiều tác dụng trong việc bồi bổ sức khỏe, kiện tỳ an thần. Hạt sen có thể chế biến thành nhiều món ăn bài thuốc, vừa hấp dẫn vừa có thể chữa bệnh hiệu quả.
Theo tài liệu cổ thì hạt sen (liên nhục) thường được sử dụng để nấu cháo, nấu chè… Bởi theo Đông y, hạt sen có vị ngọt chát, tính bình; vào kinh tâm, tỳ, thận. Có tác dụng bổ tỳ, chỉ tả, ích thận, cố tinh, dưỡng tâm an thần, sáp trường. Cụ thể, 100g hạt sen có chứa 350 calo, 63-68 gam carbohydrate, 17-18gam protein, nhưng chỉ có 1,9-2,5 gam mỡ, còn lại là các thành phần khác như: nước (13%), khoáng chất (chủ yếu là natri, kali, canxi, phốt pho). Trung bình, cứ một ao-xơ hạt sen khô (28 gam) cung cấp khoảng 5 gam protein chất lượng cao, ngoài ra còn giàu chất xơ lại không chứa đường, hương vị thơm ngon hợp với sở thích của nhiều người.
 
Theo Đông y, hạt sen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ dưỡng tâm, sáp trường, cố tinh. Dùng làm thuốc bổ, chữa tỳ hư sinh tiết tả (tiêu chảy), di mộng tinh, băng lậu, đới hạ, mất ngủ, thần kinh suy nhược. Dưới đây là các món ăn bài thuốc chữa bệnh hữu hiệu từ hạt sen.
 

Các món chè hạt sen

 

Mon-an-bai-thuoc-chua-benh-tu-hat-sen
 
Chè hạt sen dừa tươi: 300g hạt sen tươi, 100g đường phèn, 1 quả dừa bánh tẻ Cách làm: dừa tách lấy nước để riêng, cùi dừa nạo sợi. Hạt sen tươi bỏ phần tim sen. Nếu dùng hạt sen khô bạn cần ngâm vào nước 1 lúc cho nở ra. Đun sôi nước rồi thả hạt sen vào trong vòng 2 phút rồi vớt ra để ráo. Việc này sẽ giúp món chè sen không bị hăng. Cho 500ml nước cùng nước của quả dừa vào nồi, khuấy tan 100g đường phèn rồi đun sôi, thả hạt sen vào đun đến khi hạt sen bở nhừ, ngấm đường đều thì tắt bếp. Múc chè ra ly, rắc thêm dừa tươi lên trên để tạo độ hấp dẫn.
 
Chè trứng gà, hạt sen: Hạt sen 30g, đường 30g, rượu 30ml, trứng gà 1 quả. Hạt sen nấu chín nhừ khuấy đều với đường, rượu và trứng trên chảo nóng cho nước sôi, ăn trước khi đi ngủ. Dùng trong trường hợp bị bệnh lâu ngày, người cao tuổi, sau đẻ cơ thể suy nhược.
 
Chè hạt sen, củ súng: Hạt sen 30g, củ súng 30g, đường vừa đủ. Nấu chè cho ăn vào bữa điểm tâm buổi sáng. Dùng cho các trường hợp di tinh, tảo tiết, đới hạ huyết trắng, kinh nguyệt quá nhiều, tiểu đêm nhiều.
 
Chè hạt sen, đậu đỏ: Hạt sen tươi 150g, đậu đỏ 200g ngâm 3-5 giờ, trần bì ngâm nở, đường phèn. Cho trần bì nấu mềm, thêm đậu đỏ hầm 20 phút, cuối cùng thêm hạt sen nấu nhừ và cho đường ăn, có tác dụng bổ tỳ trị tả, tốt cho đường ruột, cải thiện chức năng hấp thu, dưỡng tâm an thần, ích thận cố tinh, chống lão hóa, tăng cường chức năng tim mạch, an thai và tốt với người bị di tinh.
 
Chè hạt sen long nhãn: 100g hạt sen tươi, 100g long nhãn, đường, dầu chuối. Ngâm hạt sen trong nước muối loãng khoảng 10 phút rồi vớt ra rửa sạch. Sau đó cho hạt sen vào nồi, đổ thêm nước cho ngập rồi đun sôi khoảng 1-2 phút thì bắc ra. Vớt hạt sen ra rửa sạch, đổ bỏ nước luộc. Cho hạt sen vào nồi và thêm nước mới, đun sôi khoảng 5 phút cho hạt sen chín thì thêm long nhãn và đường phèn vào cho vừa ăn. Múc ra bát, thêm dầu chuối, cùi dừa bào sợi ăn rất ngon. Tác dụng: Bổ huyết dưỡng tâm an thần.
 

Các món cháo hạt sen

 

Mon-an-bai-thuoc-chua-benh-tu-hat-sen
 
Cháo hạt sen: Hạt sen 30g, gạo tẻ 150g nấu cháo, thêm đường hoặc muối. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, đại tiện lỏng dài ngày.
 
Cháo thanh nhiệt: Lá sen 1 cái rửa sạch thái nhỏ, gạo tẻ 110g, gạo nếp 20g, hạt sen 50g, nước 1.5 lít. Lá sen cho vào đun sôi 20 phút, vớt ra, cho gạo và hạt sen đã được ngâm kỹ vào nấu nhừ ăn có tác dụng thanh nhiệt, giải khát. Hoặc gạo nếp 1 cốc, hạt sen tươi 150g, đường phèn 112g, nước. Gạo ngâm nước, nấu cháo, cho hạt sen vào nấu nhừ (hạt sen khô cần ngâm trước khi nấu), thêm đường phèn ăn, có tác dụng cố tinh khí, dưỡng thần, thanh nhiệt, giải khát.
 
Cháo hạt sen, tim lợn: Gạo tẻ hoặc nếp 100g, tim lợn 1 cái thái miếng, hạt sen 60g, long nhãn 10g, 1 miếng gừng, một chút nấm kim châm, hạt nêm, gia vị. Cho gạo, hạt sen, long nhãn vào nồi nước nấu nhừ, thêm nấm, gừng, đun 5 phút, cuối cùng cho tim lợn và nêm gia vị, chín là được, Món cháo có tác dụng bổ tâm ích tỳ, an thần bổ não, tốt cho người huyết áp cao, động mạch vành, mất ngủ, hay mộng mị...
 
Cháo hạt sen, bí đao, thịt lợn: Gạo tẻ 50g, thịt lợn 50g băm nhỏ, bí đao 80g thái sợi, gừng 2 lát, hạt sen rửa sạch bỏ tâm, câu kỷ tử, dầu mè, gia vị. Cho gừng vào nồi phi vàng với dầu mè, rồi cho thịt lợn vào xào 5 phút, rồi cho bí đao, hạt sen, gạo nấu nhừ, nêm gia vị vừa ăn. Món cháo có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ tâm hỏa, muộn phiền, an thần, dưỡng tâm, lợi tiểu, trị phù thũng...
 

Các món hầm từ hạt sen

 

Mon-an-bai-thuoc-chua-benh-tu-hat-sen
Hạt sen hầm dạ dày lợn: Hạt sen 50g bỏ tâm, nhét vào dạ dày lợn, hầm mềm vớt ra, thái miếng, cho ra đĩa, rắc hành, gừng, tỏi, dầu ăn, gia vị ăn, có tác dụng ích khí bổ hư, kiện tỳ ích vị, tốt cho thai phụ bị phù thũng nhẹ.
 
Hạt sen hầm thịt lợn: Hạt sen 30g, thịt lợn nạc 150g, thêm gia vị hầm nhừ. Ăn ngày 1 lần. Dùng cho các trường hợp doạ sảy thai, sảy thai liên tiếp, phụ nữ mang thai đau lưng.

Hạt sen bách hợp hầm thịt: Hạt sen 30gr, bách hợp 30gr, thịt lợn nạc 200gr, gia vị vừa đủ. Lấy hạt sen ngâm nước nóng, đến khi nở bỏ vỏ ngoài, bỏ tâm, bách hợp rửa sạch. Thịt lợn rửa sạch, ngâm trong nồi nước để ráo nước huyết, lấy ra rửa sạch thái miếng mỏng. Cho tất cả vào nồi, nước vừa đủ, đun to lửa rồi hầm cho đến khi thịt chín nhừ cho gia vị, hành, gừng vào.
 
Hạt sen hầm long nhãn táo tàu: Hạt sen, long nhãn mỗi loại 30g, táo tàu 5 - 6 quả, đường phèn lượng vừa đủ. Ngâm hạt sen cho nở, bỏ tâm, rửa sạch. Cho hạt sen, long nhãn, táo tàu vào nồi đun với lượng nước vừa đủ. Thêm đường phèn sau khi sen đã nhừ.

Gà hầm hạt sen: Là một món ăn bổ dưỡng, mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe, gà hầm hạt sen cũng không khó trong cách chế biến. Gà được tẩm ướp gia vị cho vào cùng hạt sen, thêm các nguyên liệu khác như nấm hương, cà rốt, củ cải đường… cho cùng vào một nồi, đổ nước và ninh nhừ. Món ăn từ hạt sen này giúp an thần, mệt mỏi, người mới ốm dậy.

 

Các món canh từ hạt sen

 

Mon-an-bai-thuoc-chua-benh-tu-hat-sen
Canh hạt sen đại táo: Củ sen 2 cái, hạt sen 100g, đại táo 200g, đường tinh thể. Rửa ngó sen gọt vỏ và thái hạt lựu, cho vào nồi cùng hạt sen (ngâm trong nước cho mềm) và đại táo, thêm đường vừa đủ đun sôi một giờ rưỡi.
 
Canh sườn hạt sen: Bát canh từ sườn thăn ninh cùng hạt sen tươi thơm nồng hương vị quê hương, óng ánh quyến rũ không chỉ bổ sung nhiều dưỡng chất cho cơ thể mà còn là liều thuốc tiên cho những ai mắc chứng mất ngủ. Nguyên liệu để làm món canh này khá đơn giản chỉ gồm hạt sen tươi, cà rốt, sườn thăn, ngô ngọt, một chút gia vị. Đun sôi 1.2 lít nước. Cho sườn vào nấu 20 phút. Cho hạt sen, nấm hương, ngô ngọt và nêm thêm 1 thìa mắm, gia vị cho vừa miệng, nấu thêm 10 phút. Cho cà rốt, súp lơ xanh (bắp ngô non) nấu thêm 2 phút cho hành ngò tắt bếp. Múc ra tô, trang trí, ăn nóng.
 
Canh nấm hạt sen: Đây là một món chay dễ làm, đậm đà bổ dưỡng khi kết hợp hạt sen và nấm rơm. Món này thích hợp bồi bổ sức khỏe, có tác dụng giải nhiệt. Nguyên liệu món canh dễ kiếm: 100g hạt sen tươi, 50g nấm rơm, 1 củ cà rốt, hành ngò, ớt và các loại gia vị. Hạt sen rửa sạch, để ráo. Cà rốt: Rửa sạch, gọt vỏ, tỉa hoa và cắt miếng khoảng 1 cm nhé. Nấm hương, nấm linh chi: Nhặt sạch, rửa sạch và vớt ra để ráo. Đậu phụ non: Thái miếng nhỏ vừa ăn.Rau mùi: Nhặt và rửa sạch, đem thái rối.bắc một nồi nhỏ lên bếp, cho hạt sen rồi đổ nước lạnh vào. Đun sôi rồi hạ nhỏ lửa, đun liu riu cho đến khi hạt sen chín mềm. Đừng quên là bạn cần nêm nếm thêm chút hạt nêm và bột canh vào nhé. Hạt sen mềm, bạn cho nấm hương và nấm linh chi vào và đun sôi khoảng 6-7 phút . Tiếp đến sẽ là cà rốt và đun chín mềm.Cuối cùng, bạn cho đậu phụ, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Đun thêm 1-2 phút rồi cho hạt tiêu vào và tắt bếp.
 
Canh hạt sen móng giò: Món canh này dùng cho người mới sinh ít sữa, sức khỏe yếu, có công hiệu cao. Món này giàu năng lượng, hợp với những ngày lạnh và ăn cùng cơm hoặc bánh mì. Từng thớ thịt chín nục, mềm thơm, róc xương. Ăn cả bì lẫn mỡ đều không hề có cảm giác béo ngấy mà trái lại còn rất lôi cuốn hấp dẫn từ người già đến trẻ nhỏ.
 
Nguyễn Dung (t/h)