Ngành nào ít thí sinh đăng ký nhưng cơ hội việc làm cao?

Bên cạnh các ngành học thời thượng mang tính xu hướng, được xem là đang 'hot', thì những ngành ít thí sinh đăng ký lại được chuyên gia cho rằng cơ hội việc làm và tỷ lệ thành công rất cao.

Đó là nhận định của đại diện các trường ĐH gửi tới thí sinh trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Ngành nào đang 'hot' trong năm nay?" của Báo Thanh Niên ngày 11.4.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, nhận định hiện nay có một số ngành học được cho là không "hot" nên ít thí sinh đăng ký.

Chẳng hạn, tại Trường ĐH Mở TP.HCM, ngành thuộc lĩnh vực khoa học sự sống như công nghệ sinh học, gồm các chuyên ngành nông nghiệp, y học, thực phẩm. Năm trước, những ngành này có mức điểm chuẩn thấp hơn nhiều so với các ngành khác.

"Tuy nhiên, đây là những ngành học mà thị trường lao động cần rất nhiều nhân lực. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong rất nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, thực phẩm. Dù tên gọi không 'hot' như các ngành thời thượng nhưng nếu người học tạo được giá trị thì vẫn rất thành công", tiến sĩ Trường lưu ý.

Ngành học ít thí sinh đăng ký có thực sự là không "hot"? - Ảnh 1.

Sinh viên ngành kế toán Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn

Q.T

Bên cạnh đó, các ngành "hot" cũng không tồn tại vĩnh viễn, nhất là khi nhiều bạn trẻ cùng đổ xô vào một ngành thì sau vài năm ngành đó có thể "hết nóng" và sự cạnh tranh đầu vào lẫn đầu ra đều rất cao.

"Vì thế, các em không nên chạy theo số đông, mà phải căn cứ vào sở thích, năng lực của mình. Nếu đăng ký vào ngành tạm gọi là "không hot" mà có sự yêu thích, có tố chất phù hợp thì vẫn có thể thành công", tiến sĩ Trường nhận định.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, cũng cho rằng những nhóm ngành ít thí sinh lựa chọn, thực tế vẫn rất cần cho xã hội như: khoa học sự sống, khoa học môi trường, khoa học xã hội, nông-lâm-ngư-nghiệp…

Ngành nào ít thí sinh đăng ký nhưng cơ hội việc làm cao? - Ảnh 2.

Các chuyên gia phân tích ngành "hot" và ngành phù hợp với thí sinh trong chương trình tư vấn

LÊ THANH HẢI

"Những ngành khoa học cơ bản này là nền tảng để xã hội phát triển, nhu cầu vẫn luôn có nhưng do có tính nghiên cứu, hàn lâm nên ít thí sinh lựa chọn. Trong thời gian tới thì nhóm ngành môi trường rất cần nhân lực. Các em lựa chọn ngành mình thích, đủ năng lực và tạo ra giá trị hành nghề thì ngành nghề đó sẽ trở nên hot", thạc sĩ Nguyên chia sẻ.

Còn trong nhóm ngành kinh tế, ngành kế toán được xem là truyền thống nhưng gần đây ít được thí sinh đăng ký hơn so với những ngành khác cùng nhóm.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Cao Quảng Tư, kế toán lại là một trong những ngành mà nhu cầu nhân lực luôn đều đặn, vững chắc, ít khi biến chuyển dù cuộc sống có nhiều thay đổi. "Tỷ lệ việc làm cũng rất cao, sinh viên ngành kế toán từ năm 2 đã nhận làm dự án như các báo cáo thuế của doanh nghiệp", thạc sĩ Tư nói.

Từ đó, thạc sĩ Tư lưu ý thí sinh khi chọn ngành phải biết đánh giá bản thân mình có thực sự phù hợp với ngành đó hay không và không nên chạy theo xu hướng hay số đông, vì có những ngành không phải ai cũng phù hợp và có năng lực để học tập và làm việc.