Quốc gia châu Âu đầu tiên đóng cửa Đại sứ quán tại Nga

Iceland mới đây đã tuyên bố đình chỉ mọi hoạt động của Đại sứ quán quốc gia này ở Mátxcơva (Nga). Đây là quốc gia châu Âu đầu tiên đưa ra động thái này, trong bối cảnh mối quan hệ song phương với Nga đã xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Trước đó, hồi tháng 6, Bộ Ngoại giao Iceland đã thông báo sẽ đình chỉ hoạt động của Đại sứ quán tại Mátxcơva kể từ ngày 1-8. Quốc gia Bắc Âu cũng yêu cầu Nga giảm bớt các hoạt động ngoại giao tại thủ đô Reykjavik.

Trong thông báo vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Iceland cho biết, do mối quan hệ thương mại, văn hóa và chính trị với Nga đã ở mức thấp nhất từ trước đến nay nên việc duy trì hoạt động của Đại sứ quán ở Mátxcơva là “không còn chính đáng”.

3858941-33216549-1690964753.jpg

Iceland ngừng mọi hoạt động của Đại sứ quán tại Nga. Ảnh: Reuters

Sau khi quyết định đóng cửa Đại sứ quán, Bộ Ngoại giao Iceland khẳng định, động thái này không đồng nghĩa với việc Iceland cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Nga. Iceland cũng sẽ ưu tiên khôi phục hoạt động của Đại sứ quán ngay khi điều kiện cho phép.

Trong một tuyên bố riêng, Bộ Ngoại giao Iceland cho biết, việc ký kết biên bản ghi nhớ với Litva sẽ cho phép các nhà ngoại giao và đại diện khác của quốc gia này tiếp cận những cơ sở văn phòng tại Đại sứ quán Litva ở thành phố Kiev (Ukraine).

Iceland đã lên kế hoạch tăng cường sự hiện diện với mục đích thể hiện tình đoàn kết với Ukraine trong bối cảnh xung đột.

“Chúng tôi hy vọng mối quan hệ với Ukraine sẽ tiếp tục được tăng cường trong tương lai gần. Do không có kế hoạch mở Đại sứ quán ở Kiev nên sự hợp tác này là một khởi đầu tuyệt vời”, Bộ trưởng Ngoại giao Iceland Thordis Gylfadottir cho biết.

Theo AFP, Đại sứ quán Iceland tại Nga là cơ quan ngoại giao đại diện cho quốc gia này tại 8 quốc gia khác trong khu vực, gồm, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Quốc gia này đã mở 18 đại sứ quán ở nước ngoài, với ưu tiên vị trí phù hợp với mức độ quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa và hợp tác phát triển.

Thương Nguyệt