Tảng băng lớn nhất hành tinh đã tách khỏi Nam cực: Thảm họa thiên nhiên nào sẽ xảy ra?

Ngân Hà
Tảng băng lớn nhất thế giới với diện tích khổng lồ 4.000 km2, gấp gần 3 lần diện tích của thành phố New York đã tách khỏi Nam cực và di chuyển về khu vực xảy ra thảm kịch Titanic.

Tảng băng đang hướng tới khu vực xảy ra thảm kịch tàu Titanic

Các nhà khoa học cho biết, tảng băng có tên A23a, là tảng băng lớn nhất thế giới với diện tích khổng lồ 1.500 dặm vuông (4.000 km2, gấp gần 3 lần diện tích của thành phố New York) đã tách ra khỏi đáy đại dương.

Trước đó, tảng băng này tách khỏi bờ biển Nam Cực vào năm 1986, nhưng nhanh chóng "đỗ lại" ở biển Weddell, biến khu vực này thành một hòn đảo băng.

Sau 37 năm, các nhà khoa học đã xác nhận hôm 24/11 rằng hình ảnh vệ tinh cho thấy, khối băng nặng hàng nghìn tỷ tấn này đã trôi về phía Bắc qua Bán đảo Nam Cực, được hỗ trợ bởi gió mạnh và dòng hải lưu.

Tảng băng lớn nhất hành tinh đã tách khỏi Nam cực: Thảm họa thiên nhiên nào sẽ xảy ra? - Ảnh 1.

Tảng băng lớn nhất thế giới đang trôi khỏi Nam Cực - Ảnh: REUTERS

Một tảng băng trôi có kích thước lớn như vậy đang di chuyển là cảnh tượng hiếm thấy đối với các nhà nghiên cứu sông băng. "Theo thời gian, nó có lẽ chỉ mỏng đi một chút và có thêm một chút lực nổi cho phép nó nổi lên khỏi đáy đại dương và bị dòng hải lưu đẩy đi", ông Oliver Marsh thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh cho biết, theo Reuters.

Giống như hầu hết các tảng băng trôi trong khu vực, A23a rất có thể sẽ di chuyển vào Dòng hải lưu Nam Cực, từ đó sẽ đưa nó tới "Hẻm băng trôi", nơi một số tảng băng trôi tụ tập trong vùng nước tối, chẳng hạn như vùng nước đã diễn ra vụ tàu Titanic va chạm với tảng băng vào năm 1912 khiến tàu bị chìm với 1.517 người thiệt mạng.

Các nhà khoa học cũng lo ngại rằng, tảng băng trôi khổng lồ một lần nữa có thể rơi xuống đảo Nam Georgia ở Nam Đại Tây Dương, có khả năng tàn phá động vật hoang dã ở Nam Cực bằng cách cắt đứt khả năng tiếp cận của hàng triệu hải cẩu, chim cánh cụt và chim biển sử dụng khu vực này để sinh sản hoặc săn bắt, tìm kiếm thức ăn.

Marsh nói với Reuters: "Một tảng băng trôi có kịch thước lớn như thế này có khả năng tồn tại khá lâu ở Nam Đại Dương, mặc dù thời tiết đã ấm hơn nhiều... Nó có thể di chuyển xa hơn về phía Bắc tới Nam Phi, và gây gián đoạn hoạt động vận chuyển tại đây".

Tảng băng lớn nhất hành tinh đã tách khỏi Nam cực: Thảm họa thiên nhiên nào sẽ xảy ra? - Ảnh 2.

Tảng băng A23a đang trôi tới khu vực xảy ra thảm kịch tàu Titanic

Nguy cơ một nửa số sông băng sẽ biến mất vào năm 2100

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng 49% sông băng trên thế giới sẽ biến mất vào năm 2100, chiếm khoảng 26% khối lượng sông băng trên thế giới. Đây là kết quả một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science vào đầu năm 2023.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét tác động của 4 kịch bản đối với sông băng, trong đó dựa trên sự thay đổi nhiệt độ trung bình toàn cầu là 1,5 độ C, 2 độ C, 3 độ C và 4 độ C.