‘Tết Nguyên đán còn là niềm tin, tín ngưỡng gộp Tết Dương lịch rất khó’

TS. Khuất Thu Hồng cho rằng, ăn Tết Nguyên đán theo Âm lịch không chỉ là nét văn hóa mà ở đó còn phảng phất tín ngưỡng người Việt nên việc thay đổi là rất khó.
tet-nguyen-dan-con-la-niem-tin-tin-nguong-gop-tet-duong-lich-rat-kho
Có nên gộp Tết ta với Tết tây, nên nghỉ Tết Tết Nguyên đán theo Dương lịch để hội nhập cùng thế giới? Ảnh minh họa

Ngay khi lịch nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 được công bố với thời gian nghỉ kéo dài 9 ngày từ ngày 2/2 đến 10/2 tức từ 28 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng. Ngay lập tức một câu hỏi được đặt ra: Có nên gộp Tết ta với Tết tây, nên nghỉ Tết theo Dương lịch để hội nhập cùng thế giới?

Không phải đến bây giờ hơn 10 năm qua câu chuyện gộp Tết ta với Tết tây trở thành câu chuyện nóng gây tranh cãi. “Cha đẻ” của ý tưởng gộp Tết này là GS. Võ Tòng Xuân và một số chuyên gia về văn hóa, kinh tế.

Võ Tòng Xuân cho biết, bản thân vẫn bảo lưu quan điểm gộp Tết cổ truyền với Tết tây mà ông từng đưa ra. Theo ông Xuân, việc gộp Tết như trên là phù hợp với xu hướng hội nhập mà một số nước trên thế giới đã thực hiện từ lâu như Nhật Bản… Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, người Việt hiện nay dành 10 ngày nghỉ chỉ để ăn Tết Nguyên đán là sự lãng phí.

Võ Tòng Xuân tin rằng tương lai không xa Việt Nam ăn Tết theo hướng hội nhập như ý tưởng của ông, bởi ngay cả bây giờ Tết cổ truyền trong tâm trí nhiều người không thực sự quan trọng, không thiêng liêng như xưa. Thậm chí, mùng 1 Tết người ta vẫn đi làm, kiếm sống, không như ngày trước.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, một kỳ nghỉ tết dài như Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (9 ngày) mặt lợi là giúp người dân nghỉ ngơi vui tết gia đình. Đặc biệt với người lao động xa quê, kỳ nghỉ tết dài giúp họ có cơ hội xum họp, đoàn viên bên gia đình.

tet-nguyen-dan-con-la-niem-tin-tin-nguong-gop-tet-duong-lich-rat-kho
Nghỉ Tết Nguyên đán dài giúp kích cầu tiêu dùng. Ảnh minh họa

“Tuy nhiên về kinh tế kỳ nghỉ tết quá dài ảnh hưởng nghiêm trọng, trước tết 1-2 tuần nhiều cơ quan, đoàn thể bắt đầu làm việc trễ nải công việc. Sau kỳ nghỉ tết dài, mất 1-2 tuần mới chỉn chu bắt tay vào công việc được. Quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi" vẫn in sâu vào suy nghĩ của nhiều người”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Về khía cạnh hội nhập toàn cầu, việc ngày nghỉ tết quá dài có những tiêu cực, bởi trong khi cả thế giới làm việc vào đầu tháng 2 (vào giữa quý 1 năm 2019) thì mình lại nghỉ đến 9 ngày. Thời gian đầu năm là giai đoạn quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế thì mình lại nghỉ dài hạn.

Mặt khác, nghỉ Tết tuy quy định 9 ngày nghỉ nhưng trong thực tế ngày nghỉ nhiều hơn. Ngay từ trước Tết khoảng 1 tuần lễ các cơ quan rục rịch nghỉ tết hoạt động không hiệu quả, cơ quan hoạt động lẻ tẻ lãnh đạo nghỉ chúc mừng nhau, tiệc tùng tổng kết cuối năm…

Và sau Tết, rất nhiều nơi còn "lảng vảng" không khí tết, ít nhất kéo dài thêm 1 tuần lễ nữa. Vì vậy chắc chắn dịp Tết năm nay chúng ta phải mất khoảng 3 tuần trước trong và sau tết trước khi công việc trở lại bình thường.

“Chúng ta cũng nghỉ Tết Dương lịch những sau đó lại nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài hơn 1 tuần. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của chúng ta không cùng với thế giới. Tôi đề xuất nên nghỉ Tết theo Dương lịch”, TS. Hiếu đề xuất.

Nhìn góc độ văn hóa – xã hội, trao đổi với phóng viên TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội đồng quan điểm cho rằng, những năm trở lại đây thời gian nghỉ Tết thường kéo dài ra so với trước.

tet-nguyen-dan-con-la-niem-tin-tin-nguong-gop-tet-duong-lich-rat-kho
TS. Khuất Thu Hồng cho rằng, ăn Tết Nguyên đán theo Âm lịch không chỉ là nét văn hóa mà ở đó còn phảng phất tín ngưỡng người Việt nên việc thay đổi là rất khó. 

“Trước đây chúng ta chỉ nghỉ 3-4 ngày, bây giờ 9 -10 ngày, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài khiến thời gian ngưng trệ sản xuất kéo dài. Ngưng trệ dài như vậy khó có thể trở lại làm việc ngay”, TS. Khuất Thu Hồng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho biết, ý tưởng gộp Tết ta và Tết tây xuất hiện nhiều năm nay nhưng đấy là việc rất khó. Sở dĩ người Việt Nam vẫn ăn Tết theo Âm lịch và coi trọng Tết Âm lịch hơn Dương lịch vì gắn liền với thời tiết, mùa vụ. Vì Tết Âm lịch là lúc chuẩn bị sang xuân, câu chuyện mùa vụ, cấy hái, thời tiết, gắn liền câu chuyện Tết, thay đổi tập quán đó rất khó.

“Ngoài ra, Tết Nguyên đán cũng là nét văn hóa ăn sâu vào trong hành xử của cả dân tộc cho nên thay đổi nhập Tết Dương lịch vào Âm lịch là khó.

Người Nhật làm được vì thời tiết tại Nhật khá giống với thời tiết phương Tây cũng có mùa đông băng tuyết.

Còn nữa, tất cả lễ hội truyền thống của chúng ta gắn với Âm lịch với Tết Nguyên đán nên thay đổi rất khó. Nếu ăn Tết theo Dương lịch thì lễ hội theo Âm lịch sẽ tính toán thế nào.

Đây không phải chuyện nghỉ Tết, ăn Tết mà còn là tín ngưỡng, chúng ta đều biết thay đổi tín ngưỡng rất khó. Nói thế không phải nói người dân chúng ta mê tín mà đơn thuần đó là thói quen, những nét sinh hoạt văn hóa bắt rễ sâu vào đời sống của dân tộc”, TS. Khuất Thu Hồng phân tích.

Khuất Thu Hồng cho rằng, nếu chỉ nhìn Tết là gây ảnh hưởng, thiệt hại về kinh tế là không đúng. Với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế gắn với câu chuyện Tết. Tết Nguyên đán dài kích thích tiêu thụ hàng hóa, mua sắm…Nó cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh, tập chung vào nhu cầu ăn Tết của người dân.

“Xét khía cạnh văn hóa, tâm linh, kinh tế thì ăn Tết theo Âm lịch không phải cái gì đó quá gây ra tổn hại về kinh tế. Tất nhiên khi chúng ta làm ăn với quốc tế, câu chuyện ngày nghỉ Tết Nguyên đán cũng ảnh hưởng giao dịch.

Tuy nhiên những cơ quan, doanh nghiệp làm việc có giao dịch với nước ngoài đều có điều chỉnh thời gian thích hợp không để xảy ra ngừng trệ quá mức. Vấn đề ở đây là điều chỉnh như thế nào”, TS. Hồng nói.

Theo TS. Hồng, vấn đề cốt lõi chống lãng phí, tiêu cực kỳ nghỉ Tết là điều chỉnh sao cho việc nghỉ Tết không ảnh hưởng đến công việc.

 

Bổ nhiệm nhân sự mới tại Cần Thơ, Nghệ An, Đà Nẵng, An Giang, Thanh Hóa

Thành ủy Đà Nẵng, Tỉnh ủy An Giang, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức công bố và trao các quyết định bổ nhiệm nhận sự và công tác tổ chức, cán bộ.

 

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán năm 2019: 9 ngày nghỉ nhiều hay ít?

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán năm 2019 đã được thông qua với 9 ngày nghỉ, dài hơn dài hơn dịp nghỉ tết năm 2018, 2017 là 2 ngày. Người cho rằng nghỉ như vậy quá ít, người khác lại cho rằng quá dài.

 

Nên nghỉ Tết theo Dương lịch để hội nhập cùng thế giới?

Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất nên nghỉ Tết theo Dương lịch, để chuyển kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sang Tết Dương lịch để hội nhập cùng thế giới.