Minh oan cho loại sữa hạt bổ hơn thịt, tốt hơn cả sữa bò bị 'buộc tội' gây ung thư

Đến nay giới khoa học vẫn chưa ngừng tranh cãi về việc sữa đậu nành có phải là nguyên nhân gây ung thư hay có tác dụng phòng chống ung thư. Vậy người bệnh ung thư có được sữa đậu nành không?
Sữa đậu nành được đánh giá là giàu đạm hơn thịt trứng, dồi dào canxi hơn cả sữa bò nhưng nhiều năm qua người ta vẫn tranh cãi về việc sử dụng loại sữa này. Liệu sữa đậu nành có phải là nguyên nhân gây ung thư, người mắc bệnh gì không được uống sữa đậu nành?
 

Giá trị dinh dưỡng của sữa đậu nành


Sữa đậu nành được chế biến bằng cách ngâm và nghiền đậu nành lấy nước. Đây là loại sữa giàu các hợp chất như axit béo phytoestrogen, Omega-6 và Omega-3 đồng thời cũng cung cấp dồi dào các nguyên tố vi lượng như magiê, vitamin D và vitamin B.

Một hạt đậu nành chứa 8% nước, 5% chất vô cơ, 15-25% glucose, 15-20% chất béo, 35-45% protein với đủ các loại amino acid cần thiết và nhiều sinh tố, khoáng chất, Ca, Fe, Mg, P, K, Na, S, các vitamin A, B1, B2, D, E, F, các enzyme, sáp, nhựa, cellulose.
 

Ước tính trong 100g đậu nành chứa 36,49g chất đạm, 30,16g chất đường bột, 19,94g chất béo và 9,3g chất xơ, 277mg canxi và nhiều vitamin, khoáng chất. Có thể thấy, sữa đậu nành giàu đạm hơn thịt và trứng, hàm lượng canxi trong đó cũng nhiều hơn cả sữa bò.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ từng khuyến nghị, mỗi gia đình nên bổ sung ít nhất 25g đạm đậu nành hàng ngày để ngăn ngừa bệnh tật và hạn chế bệnh tim mạch.

Theo trang Health Site, nhờ thành phần giàu chất xơ nên việc tiêu thụ sữa đậu nành thường xuyên sẽ làm giảm mức cholesterol xấu, ức chế sự hình thành mảng bám trên thành động mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

Sữa đậu nành là nguồn cung cấp phytoestrogen tuyệt vời, đây là một hợp chất giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả hơn. Mặt khác, sữa đậu nành cũng cung cấp dồi dào lượng canxi hơn sữa bò giúp ngăn ngừa loãng xương.

Thành phần phytoestrogen trong sữa đậu nành giúp cân bằng hormone giới tính nữ estrogen hiệu quả, hạn chế các triệu chứng tiền mãn kinh.

Sữa đậu nành có gây ung thư?


Hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học chính thức nào có thể khẳng định sữa đậu nành gây ung thư. Một số quan điểm khác lại cho rằng, tiêu thụ các sản phẩm từ đậu nành nói chung và sữa đậu nành nói riêng giúp giảm nguy cơ mắc ung thư.

Từ thực tế tại Nhật Bản và Trung Quốc là những nơi thường xuyên sử dụng đậu nành, tỷ lệ người dân mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng và tuyến tiền liệt hay các bệnh liên quan đến hormone thấp hơn hẳn.

Sở dĩ tranh cãi về việc đậu nành có phải là nguyên nhân gây ung thư xuất phát từ thành phần "phytoestrogen" hay còn được gọi là estrogen thực vật.
 

Trước đây từng có thử nghiệm trong ống nghiệm cho rằng phytoestrogen gây các bệnh ung thư liên quan đến hormone. Tuy nhiên, sau đó nhiều nhà khoa học lên tiếng phản bác và cho rằng, việc sử dụng ở mức độ trung bình từ 2-3 đơn vị phytoestrogen thậm chí còn mang lại lợi ích cho một số bệnh ung thư.

Đầu năm 2020, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cancer một lần nữa khẳng định, đậu nành không gây hại cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Ngược lại, sử dụng đậu nành còn mang tới nhiều lợi ích cho người bệnh này.

Ung thư có được uống sữa đậu nành không?


Theo BS Nguyễn Sỹ Cam (tổ chức Ruybangtim), đối với người bệnh ung thư, chính xác là ung thư vú, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy tác dụng tích cực hoặc không có ảnh hưởng của việc tiêu thụ sữa đậu nành lên diễn tiến bệnh.

Nghiên cứu khảo sát với hơn 11.000 bệnh nhân ung thư vú cho thấy, việc sử dụng đậu nành mỗi ngày làm giảm nguy cơ tử vong cũng như tái phát bệnh, đặc biệt là nhóm bệnh nhân ER-, ER+/PR+ và hậu mãn kinh

Một kết luận khác dựa trên 3 nghiên cứu khảo sát hơn 9.500 bệnh nhân cho rằng, việc sử dụng ít nhất 10 mg isoflavone/ngày chiết xuất đậu nành tuy không làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của bệnh nhưng có giảm đáng kể nguy cơ tái phát bệnh ung thư vú.
 

Hiện có rất ít khuyến cáo cho thấy lượng tiêu thụ đậu nành chính xác đối với người bệnh ung thư. Viện Nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo mỗi bữa nên dùng 250ml sữa đậu nành hoặc 30 gram đậu nành, một ngày tối đa 2-3 bữa như vậy, không nên nhiều hơn.

Đó là chưa kể, đậu nành được coi là “thịt không xương” vì cung cấp lượng đạm dồi dào. Lượng đạm tốt để thay thế cho thịt động vật vì có ít mỡ và cholesterol, bổ sung các amino acid cần thiết mà cơ thể không tạo ra được.

Sữa đậu nành cũng chứa ít chất béo bão hòa hơn sữa bò, có thể có lợi cho tim mạch hơn.

Có thể khẳng định, y học hiện đại coi sữa đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành nói chung tốt cho sức khỏe. Thành phần, estrogen thực vật trong đậu nành không làm nặng thêm bệnh ung thư vú mà ngược lại còn mang lại lợi ích trong quá trình điều trị. Vì vậy, người bệnh hoàn toàn có thể uống sữa đậu nành kết hợp với chế độ ăn uống đa dạng, thiên về thực vật và lối sống lành mạnh.

Mặt khác, bệnh nhân điều trị ung thư hoàn toàn có thể thực hiện chế độ ăn tự nguyện, chọn các món ăn, thực phẩm theo sở thích miễn sao đảm bảo dinh dưỡng theo sự hướng dẫn và tư vấn của các chuyên gia.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/09/30/Hướng dẫn cách làm sữa đậu nành bằng máy xay sinh tố - Soy Milk_30092019155916.mp4[/presscloud]
Hướng dẫn cách làm sữa đâuụ nành đơn giản bằng máy xay sinh tố

 
Hà Ly (t/h)