10 liều thuốc giải độc botulinum được WHO chuyển từ Geneva, Thụy Sĩ ngay trong đêm 8/9 để kịp thời điều trị cho các bệnh nhân vụ ngộ độc Pate Minh Chay tại Việt Nam.
Ngày 8/9, PGS.TS Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc Các chương trình Kiểm soát bệnh tật kiêm Giám đốc Các chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết, WHO đang tiến hành chuyển gấp 10 lọ thuốc giải độc
botulinum cho Việt Nam.
Số thuốc được lấy từ kho dự trữ thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Thụy Sĩ, được bảo quản và vận chuyển trong điều kiện đặc biệt để đảm bảo đưa thuốc về Việt Nam nhanh, tới tay người bệnh sớm nhất.
Hai lọ thuốc giải độc có giá 8.000 USD/lọ
Được biết, Bộ Y tế phối hợp với WHO để giải quyết thủ tục cần thiết cho việc tiếp nhận số thuốc này. Số thuốc sẽ được giao cho Bệnh viện Bạch Mai làm đầu mối sau đó chuyển tới các đơn vị y tế khác đang điều trị cho các bệnh nhân vụ ngộ độc
Pate Minh Chay như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới TP HCM...
Trước đó cuối tháng 8 vừa qua, WHO đã tài trợ toàn bộ chi phí và điều phối 02 lọ thuốc giải độc botulinum từ Thái Lan về Hà Nội để cứu hai vợ chồng ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Được biết, thuốc có giá 8.000 USD một lọ. Sau khi được dùng thuốc, sức khỏe hai bệnh nhân có tiến triển. Người vợ còn liệt nhẹ ở họng, có thể tự ngồi, tự chăm sóc, nói rõ. Người chồng đã vận động nhẹ bàn chân và bàn tay dù vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, không bị rối loạn cảm giác.
Hiện chỉ hai bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai được điều trị bằng thuốc kháng độc nhập khẩu. Những bệnh nhân khác ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, được điều trị không đặc hiệu bằng các phương pháp thay huyết tương, bổ sung vitamin, thở máy, trị liệu vật lý. Thời gian thở máy của các bệnh nhân kéo dài, có thể tới hai tháng.
Bệnh nhân ngộ độc botulinum tại Bệnh viện Bạch Mai được dùng thuốc giải độc do WHO tài trợ
Botulinum là chất độc mạnh nhất thế giới. Chất độc tấn công vào hệ thần kinh, gây tổn thương nặng nề và di chứng kéo dài như liệt cơ, liệt hô hấp. Các ca bệnh này có quá trình điều trị phức tạp, kéo dài nhiều tháng và tốn kém, dễ biến chứng, tử vong.
Được biết, cả nước hiện có 15 bệnh nhân nhập viện điều trị do ngộ độc botulinum sau khi ăn Pate Minh Chay bao gồm ở Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Quảng Nam.
Hơn 30 năm qua Việt Nam không ghi nhận ca ngộ độc botulinum nào, do đó không dự trữ huyết thanh cũng như thuốc giải độc. Các bệnh viện đã đề nghị Bộ Y tế nhập thuốc từ nước ngoài về điều trị. Tuy nhiên thuốc chỉ có tác dụng giải độc trong thời gian 3 ngày kể từ khi có dấu hiệu ngộ độc. Sau thời gian này, thuốc có giá trị hỗ trợ điều trị.
Ngày 29/8 Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cảnh báo khẩn cấp pate Minh Chay chứa vi khuẩn Clostridium botulinum type B, sinh độc tố botulinum, gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Các bệnh nhân nhập viện có các triệu chứng điển hình như: mệt mỏi, sụp mí, yếu cơ, khó nói, khó thở, tay chân yếu dần...
[presscloud]http://media.tuoitrexahoi.vn/upload/video/2020/08/31/bo-y-te-thong-bao-pate-minh-chay-chua-chat-doc-nguy-hiem_31082020100447.mp4[/presscloud]
Bộ Y tế thông báo pate Minh Chay chứa chất độc nguy hiểm. Video: VTC14
Theo Hà Ly/SKCĐ