Ám ảnh 'ma men'

Ngân Hà
Nếu như năm 2008, Việt Nam chỉ đứng thứ 8 ở châu Á về mức tiêu thụ rượu bia thì 15 năm sau đã vọt lên thứ 3 ở khu vực chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.

Uống rượu bia đã trở thành thói quen đặc trưng khó bỏ của người Việt. Văn hoá đối ẩm là nét đẹp, không có gì bàn cãi nhưng việc lạm dụng rượu bia đang ngày càng gia tăng trong các hoạt động lẽ ra không cần sự xuất hiện của chúng đang biến rượu bia thành nỗi ám ảnh và trở nên xấu xí trong mắt nhiều người. Giờ đây, người Việt có thể có một ngàn lý do cho các cuộc vui bằng rượu bia, biến tướng; buồn cũng uống, vui lại càng phải uống… cồn cứ thế tuôn chảy vào người.

Tổ chức Y tế thế giới đưa ra con số mà ai thoáng nghe qua đã giật mình, mỗi năm có 40 nghìn ca tử vong ở Việt Nam có liên quan đến rượu bia. Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người trên 15 tuổi mỗi năm tại Việt Nam là 8,3 lít, tương đương với 1 người uống 170 lít bia mỗi năm. Con số thật khủng khiếp!

Một cuộc điều tra xã hội học khác được Bộ Y tế công bố trong năm 2022 cũng cho thấy có đến 64% nam giới và 10% nữ giới ở nước ta uống rượu bia. Và đó cũng là nguyên nhân gây ra biết bao hệ luỵ, người uống rượu bia trở thành gánh nặng đối với y tế, cả kinh tế cũng như gia tăng các vấn đề xã hội cần giải quyết.

Bên cạnh nguyên nhân gây nguy cơ tàn tật và tử vong hàng đầu, rượu bia cũng được điểm mặt là nguyên nhân gây ra 30% số vụ gây rối trật tự xã hội và 35% các vụ bạo lực gia đình ở nước ta hiện nay. Hệ luỵ là vậy nhưng tốc độ tiêu thụ rượu bia ở nước ta vẫn tăng nhanh qua các năm bất chấp những cảnh báo. Có một thực tế mà chẳng ai lấy làm tự hào khi Việt Nam được xếp hạng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á và thứ 3 ở châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia trên mỗi người.

Cứ mỗi cuối tuần hoặc mỗi chiều tối tan ca, các quán ăn nhậu vẫn ken cứng người ngồi nhâm nhi rượu bia. Không có gì để lên án, đó là quyền cá nhân của mỗi người nhưng tình trạng người trưởng thành uống quá độ đến mức nguy hại đang rất phổ biến, với tỉ lệ cứ 3 nam giới lại có một người uống quá mức nguy hại. Nguy hiểm hơn, sau mỗi chầu chén chú chén anh các đệ tử Lưu Linh lại lên xe và trở thành những “ma men” tốc độ, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, đem đến bao đau thương cho những gia đình nạn nhân. Nhiều vụ án mạng cũng xảy ra trên bàn nhậu, bởi rượu vào lời ra, gây ra mâu thuẫn rồi đâm chém nhau khiến người chết, kẻ bị thương, người vướng lao lý.

Không cấm được rượu bia nhưng chúng ta có thể hạn chế bằng giáo dục, tuyên truyền, nâng cao trí tuệ công dân để họ điều khiển được hành vi, kiềm chế được sự cuốn hút của hưởng thụ rượu bia. Một người bạn của tôi từng bị cám dỗ bởi rượu bia chia sẻ như vậy trên mạng xã hội và thêm rằng, biết kiềm chế sự hưởng thụ thì sẽ không bị cuốn vào những lời dụ mời, từ đó dẫn đến vô số cám dỗ khác nữa.