Taylor Hazlewood, đến từ Kentucky (Mỹ), đã kiện Netflix để đòi hơn một triệu USD với cáo buộc sử dụng hình ảnh của anh ta trong một bộ phim tài liệu về tội phạm mà chưa xin phép.
Hazlewood nói rằng phim tài liệu "The Hatchet-Wielding Hitchhiker" miêu tả anh trong một "khung hình nham hiểm và phỉ báng", Dallas Morning News đưa tin.
Trong cảnh phim, hình ảnh của Hazlewood xuất hiện trên màn hình khi người lồng tiếng hỏi: "Đây là thiên thần hộ mệnh hay một kẻ giết người máu lạnh?".
Luật sư của Hazlewood, Angela Buchanan, nói với Buzzfeed News rằng thân chủ của mình không có mối liên hệ nào với chủ đề của bộ phim tài liệu.
Bộ phim của Netflix tập trung vào Caleb "Kai" McGilvary, người từng trở thành hiện tượng mạng xã hội vào năm 2013 khi can thiệp vào một vụ hành hung, nhưng sau đó anh ta bị kết tội giết người.
Bức ảnh cầm rìu của Hazlewood đăng trên Instagram bị Netflix sử dụng trong phim tài liệu. |
McGilvary trở thành "người hùng" với video ghi lại cảnh anh dùng chiếc rìu để khống chế Jett McBride khi kẻ này định tấn công một nhân viên sửa chữa. Trước đó, McBride là người cho McGilvary đi nhờ xe.
Trả lời phỏng vấn truyền thông sau vụ việc, McGilvary đã chia sẻ quan điểm đáng yêu về tình yêu và sự tôn trọng trước khi kể về chuyện can thiệp vào vụ tấn công như thế nào.
Nhưng 3 tháng sau, anh ta bị truy nã vì tội giết luật sư Joseph Galfy ở New Jersey. Mặc dù đã tự bào chữa, McGilvary bị kết tội giết người cấp độ một vào năm 2019, The Washington Post đưa tin.
Bộ phim tài liệu xem xét con đường của McGilvary từ anh hùng trên mạng đến người bị kết án, sử dụng nhiều ảnh chụp màn hình từ mạng xã hội để minh họa - một trong số đó là lấy từ tài khoản Instagram của Hazlewood.
Hazlewood lần đầu biết tin mình bị sử dụng hình ảnh trái phép nhờ bạn bè liên lạc sau khi bộ phim tài liệu Netflix được phát sóng. Trong ảnh, anh đang cầm một cây rìu.
"Cái quái gì vậy, làm ơn giải thích chuyện này đi", "Cậu đùa đấy à, cậu không biết mình sẽ xuất hiện trên phim đó sao", những người bạn nhắn cho anh.
Hazlewood cho biết anh đã chụp ảnh với chiếc rìu của một người bạn vì nhớ đến cuốn sách thời thơ ấu yêu thích của mình, "Hatchet" của Gary Paulsen.
McGilvary cũng đang kiện Netflix, cáo buộc công ty này nằm trong số nhiều công ty đang "khai thác một cách tàn nhẫn câu chuyện cuộc đời của một anh hùng để kiếm tiền", theo Fresno Bee.
Bộ phim về tiểu thư lừa đảo Anna của Netflix vấp nhiều chỉ trích. |
Đây không phải lần đầu tiên Netflix gây tranh cãi khi làm phim về cuộc đời của những tên tội phạm. Nhiều tác phẩm bị chỉ trích khi "tô hồng" quá khứ của kẻ phạm tội, vô tình biến kẻ xấu thành người hùng khi đưa lên màn ảnh.
Bộ phim Inventing Anna được xây dựng từ câu chuyện có thật của một phụ nữ tên Anna Sorokin - người đã giả danh con gái tài phiệt để lừa đảo hàng trăm nghìn USD. Tuy nhiên, trong phim, không phải chi tiết nào cũng là thật.
Anna Sorokin - nguyên mẫu nhân vật - là phụ nữ người Nga, lớn lên ở Đức. Cô lấy tên giả Anna Delvey, cố gắng tham gia vào giới thượng lưu ở New York và lừa những người xung quanh rằng mình là con gái gia đình tài phiệt ở Đức.
Bộ phim bị chỉ trích vì gia tăng tình tiết hư cấu và lãng mạn hóa một vụ lừa đảo nghiêm trọng, thậm chí miêu tả rich kid giả danh Anna Sorokin như một người truyền cảm hứng.
Trước khi Inventing Anna được phát hành vài ngày, Netflix còn cho ra mắt bộ phim The Tinder Swindler, cũng lấy cảm hứng từ kẻ lừa đảo khét tiếng Simon Leviev (tên thật Shimon Hayut).
Khác với Inventing Anna, The Tinder Swindler là phim tài liệu được tường thuật lại qua lời kể của những nạn nhân.
Dù không hưởng lợi trực tiếp từ bộ phim, Leviev được cho đang tận dụng sự thành công của The Tinder Swindler để tìm kiếm cơ hội nổi tiếng ở Hollywood.