Bệnh dại có lây không?
Virus dại thông qua vết thương hở xâm nhập vào máu tấn công hệ thần kinh trung ương. Từ đây, virus dại lan khắp cơ thể thông qua hệ thần kinh gây tổn thương não biểu hiện qua việc bệnh nhân phát bệnh dại rồi tử vong.
Ai cũng biết bệnh dại lây truyền từ động vật sang người nhưng giữa người với người, bệnh dại có lây không?
Về mặt lý thuyết, virus dại lây nhiễm qua máu và nước bọt do đó bệnh dại có thể lây từ người sang người. Các trường hợp bệnh dại lây từ người sang người khi: trên da người khỏe mạnh có vết thương hở tiếp xúc với máu của người nhiễm virus dại, hai người có tiếp xúc niêm mạc với nhau thông qua miệng hay ăn chung...
Lưu ý, virus dại không thể thâm nhập qua da lành, chúng chỉ lây nhiễm qua vết thương hở của người bệnh. Do đó, người nghi nhiễm virus dại cần đi xét nghiệm và tiêm vắc xin càng sớm càng tốt, tránh tiếp xúc với vết thương hở của người khác dễ truyền bệnh.
Những trường hợp bệnh dại lây từ người sang người
Thực tế trên thế giới từng ghi nhận trường hợp bệnh dại lây từ người sang người thông qua hiến tạng. Năm 2013, Trung tâm phòng bệnh Hoa Kỳ (CDC) xác nhận một bệnh nhân ở Maryland nhiễm virus dại sau khi ghép tạng từ người hiến.
Cụ thể, người hiến tạng đã chết từ năm 2011 và quyết định hiến thận, tim và gan. Ba người nhận tạng ở Florida, Georgia và Illinois sau đó đều nhiễm bệnh dại.
Thông thường, trước khi tiến hành ghép tạng, các bác sĩ tiến hành nhiều xét nghiệm nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trường hợp không có tiền sử bị chó cắn hay nghi ngờ mắc bệnh dại, việc xét nghiệm virus dại sẽ bị bỏ qua bởi không đủ thời gian để chờ có kết quả xét nghiệm. Các bác sĩ phải tận dụng thời gian vàng tạng còn sống để ghép cho bệnh nhân.
Các trường hợp bệnh dại lây từ người sang người theo các con đường khác: dính máu ở vết thương hở, tiếp xúc niêm mạc... chưa từng được ghi nhận ở thực tế.
Quan hệ tình dục với người bị chó dại cắn có sao không?
Theo các bác sĩ, bệnh dại có thể lây qua đường tình dục. Trước hết cần xác định người bị chó cắn đã mắc bệnh dại hay chưa thông qua việc xét nghiệm.
Cả hai quan hệ tình dục sau khi một trong hai người bị chó cắn nhưng chưa phát bệnh dại, thì người bị chó cắn cần được tiêm vắc xin càng sớm càng tốt. Người còn lại cần được theo dõi thêm.
Nếu người bị chó cắn thực hiện sơ cứu vết thương và tiêm vắc xin sớm trong vòng 48h đầu tiên, khả năng cao người đó đã được bảo vệ không mắc bệnh dại. Khi đó, việc quan hệ tình dục với người này là an toàn.
Dù vậy vẫn không vắc xin nào có tác dụng tuyệt đối 100%, nếu người bị cắn không phát bệnh dại thì người có quan hệ tình dục cần được theo dõi thêm trong vòng 14 ngày (kể từ ngày quan hệ).
Trường hợp người bị chó cắn tiêm vắc xin muộn (sau 48 giờ kể từ khi bị chó cắn) hoặc đã có biểu hiện phát bệnh dại, thì người đã quan hệ tình dục với người này có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Khi đó, người đã quan hệ tình dục cần tới trung tâm y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin dự phòng.