Tư thế bị gò bó khi nằm võng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh thoát vị đĩa đệm, do vậy, không nên chủ quan.
Tác hại của thói quen nằm võng
Vào năm 2017, báo Vnexpress từng đưa tin, có một bệnh nhân P.V.A 69 tuổi, quê ở Trà Vinh, có thói quen nằm võng gần 40 năm. Sau đó, bà càng ngày càng bị đau lưng, lan xuống chân phải kèm theo tê. Khi đi khám tại cơ sở y tế địa phương, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thoái hóa cột sống và chỉ định dùng thuốc. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng cảnh báo bà A. không nên tiếp tục nằm võng vì có thể làm tình trạng thoái hóa tiến triển nặng hơn, nhưng bà lại không từ bỏ thói quen này được.
2 tuần sau đó, bà tái khám lại với triệu chứng đau lưng dữ dội, kéo dài không dứt cho dù vẫn dùng thuốc đều đặn. Cảm giác đau lan xuống chân kèm theo cảm giác tê ran khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bà. Cơn đau trở nặng vào ban đêm, khiến bệnh nhân ngủ không yên giấc, sa sút tinh thần.
Thói quen nằm võng lâu ngày gây ảnh hưởng đến cột sống, dẫn đến bệnh thoát vị đĩa đệm
Đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, từ kết quả chụp MRI cột sống, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị
thoát vị đĩa đệm. Dựa theo hình ảnh chụp MRI, cột sống của bà A. bị thoái hóa nặng nên dễ vỡ và có các mảnh xương vụn. Các mảnh xương vỡ đâm vào dây thần kinh cột sống gây nên những cơn đau dữ dội không dứt. Bà A. được chỉ định phẫu thuật giải ép thần kinh.
Tình trạng của bà A. sau phẫu thuật được cải thiện ở mức độ 70%. Tại đây, các bác sĩ cũng khuyên bà nên nằm, ngồi, có chế độ vận động phù hợp và khuyên từ bỏ thói quen nằm võng. Các bác sĩ cho biết, thói quen nằm ngù trên võng hay ngồi nhiều, ngồi sai tư thế ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cột sống, làm sai lệch cấu trúc tự nhiên của các đốt sống, lâu ngày dẫn đến đau mỏi và thoái hóa cột sống.
Thay đổi cách nhìn về thoát vị đĩa đệm
Theo ThS.BS. Đỗ Văn Minh (Viện Chấn thương chỉnh hình - BV Việt Đức), thoát vị đĩa đệm cột sống thường là hậu quả của thoái hóa đĩa đệm. Cùng với sự tăng dần của tuổi tác, đĩa đệm sẽ ngày càng bị khô, trở nên kém linh hoạt và dễ bị tổn thương khi bị chấn thương. Ít người biết rằng nguyên nhân của bệnh chủ yếu từ những thói quen sai lầm trong cuộc sống.
Ngồi sai tư thế cũng dẫn đến bệnh thoát vị đĩa đệm
Nguyên nhân gây nên thoát vị đĩa đệm cũng là do hậu quả của những chấn thương lặp đi lặp lại gây nên, người bệnh thường hay chủ quan. Những người lao động thường xuyên phải mang vác nặng có thể dẫn đến nguy cơ thoát vị đĩa đệm. Hay, một số trường hợp do chấn thương cột sống khi bị ngã từ trên cao xuống, tai nạn giao thông, tai nạn lao động,… gây thoát vị đĩa đệm.
Bệnh nhân cần phải đến ngay cơ sở y tế nếu cảm thấy:
Các triệu chứng nặng: đau, tê bì, yếu chi trở nên nặng hơn khiến bạn không thể thực hiện các hoạt động thường ngày.
Rối loạn đại tiện hoặc tiểu tiện: bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ, đại tiện không tự chủ.
Mất cảm giác vùng hậu môn sinh dục, mặt trong đùi và cẳng chân.
Phòng bệnh thoát vị đĩa đệm
Tập luyện: Duy trì các bái tập làm khỏe khối cơ cạnh cột sống sẽ có tác dụng làm vững cột sống và tránh các bệnh lý đĩa đệm.
Duy trì tư thế tốt: Nên ngồi đúng tư thế trong học tập, lao động và làm việc để tránh được những sang chấn cho cột sống. Nên ngồi thẳng lưng và không nên giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài. Nâng vật nặng, hãy gập gối thay vì cúi lưng. Đồng thời, nên duy trì cân nặng hợp lý với chiều cao để tránh áp lực cho cột sống.
Nằm võng là sở thích của rất nhiều người, nó chỉ có hại chúng ta nằm quá nhiều, quá lâu với cùng một tư thế. Duy trì nó như một thói quen khiến chúng ta dễ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm.
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/04/15/Tuong-chung-vo-hai-nhung-thoi-quen-nam-vong-lau-nam-la-tac-nhan-gay-benh-thoat-vi-dia-dem_15042020101040.mp4[/presscloud]
Bệnh thoát vị đĩa đệm: Nguyên nhân và triệu chứng nhận biết
Minh Tú (t/h)