Bác sĩ Lê Tuấn Khanh cho biết bệnh nhân thường gặp là trẻ 1-10 tuổi, nữ nhiều hơn nam. Ảnh: Parenting. |
Trường hợp điển hình mới đây là bé 9 tuổi, đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM do xuất hiện nốt sần sùi như bông cải mọc ở vùng kín. Nhờ được phát hiện và điều trị sớm với gel ALA và chiếu tia, nốt sần biến mất sau một tuần.
May mắn, suốt thời gian theo dõi sau điều trị, vết thương không tái phát. Tuy nhiên, ở tuổi lên 9, bé gái phải chịu cơn đau và khó chịu trong quá trình điều trị với laser.
Thông tin do thạc sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Khanh, khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM chia sẻ tại Hội nghị khoa học thường niên Liên chi hội Da liễu TP.HCM lần thứ 19 tổ chức chiều 21/5.
Số lượng tăng theo thời gian, chồng chéo các chủng virus
Bác sĩ Khanh dẫn lại một thống kê chung tại Mỹ cho thấy 40% số người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) ở độ tuổi 19-59. Trong đó, hơn 400.000 lượt khám vào năm 2013 đã tiêu tốn chi phí khoảng 6 tỷ USD. Đây là có thể được xem là bệnh STD tốn kém nhiều chi phí điều trị, chỉ đứng thứ 2 sau HIV.
Số liệu tại Việt Nam cũng cho thấy mụn cơm sinh dục là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh thuộc nhóm STD, chiếm tỷ lệ 30%. Độ tuổi thường gặp là 20-40, nữ nhiều hơn nam.
Đáng chú ý, một thống kê khác của các bác sĩ Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho thấy bệnh thường gặp nhất ở trẻ em khi đến khám tại khoa Lâm sàng 3 là mụn cơm sinh dục và số lượng này đang tăng dần theo thời gian.
Bác sĩ Lê Tuấn Khanh cho biết bệnh nhân thường gặp là trẻ trong nhóm 1-10 tuổi, nữ nhiều hơn nam. Qua thăm khám, các trẻ mắc bệnh có sự chồng chéo giữa các chủng HPV sinh dục (6, 11, 16, 18 và một số chủng khác).
"Trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương, do đó, danh pháp mụn cơm sinh dục sẽ phù hợp hơn so với cách gọi sùi mào gà. Ngoài ra, với những ca bệnh này, bác sĩ cần thăm kỹ, kiểm tra từng sang thương, đặc biệt loại trừ tình trạng xâm hại tình dục", bác sĩ Khanh nói thêm.
Ông cũng cho biết có những bé rất nhỏ được đưa đến khám, chỉ 2-4 tuổi. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy 20% trẻ bị nổi mụn cơm sinh dục có thể liên quan xâm hại tình dục. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác cũng cho thấy mụn cơm ở trẻ không phải lúc nào cũng qua con đường tình dục mà còn liên quan đến nhiều nguồn bệnh khác nhau.
Cụ thể, trẻ nhỏ có thể mắc bệnh qua 4 con đường, bao gồm: Tình dục (bị xâm hại); lây truyền dọc (trong thụ thai, trước và sau khi sinh); tự tiêm nhiễm, tức lây truyền virus từ bộ phận khác của cơ thể đến bộ phận sinh dục; bị lây nhiễm từ người khác, có thể từ tay của người chăm sóc, quần áo, tã…
Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ chủ yếu dựa vào lâm sàng, khám kỹ, đánh giá toàn diện, tuy nhiên, cần đánh giá và loại trừ yếu tố trẻ có bị xâm hại hay không đầu tiên. Ngoài ra, trẻ cũng được tầm soát thêm bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như HIV, giang mai, lậu để loại trừ hoặc điều trị bệnh đồng mắc (nếu có).
Khó khăn trong điều trị, trấn an bố mẹ trẻ
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Lợi em, Trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, để dự phòng bệnh, phụ huynh nên cho trẻ tiêm chủng vaccine HPV sớm (11-12 tuổi cho trẻ nam lẫn bé gái).
Cách dự phòng thứ cấp là phát hiện, điều trị sớm bệnh giai đoạn tiền ác tính và ác tính thông qua chương trình tầm soát.
Trưởng khoa Lâm sàng 3 chia sẻ: "Cha mẹ biết con mắc bệnh tình dục đa số sẽ hốt hoảng, lúc này, việc trấn an của nhân viên y tế là điều quan trọng. Họ sẽ được giải thích mụn cơm sinh dục, sùi mào gà không chỉ lây qua quan hệ mà còn con đường gián tiếp. Với trẻ em, tiếp xúc là đường lây truyền thường gặp nhất nhưng cũng không loại trừ việc trẻ bị xâm hại".
Bệnh viện Da liễu TP.HCM cũng thiết lập quy trình tiếp nhận trẻ có chẩn đoán mụn cơm sinh dục.
Quy trình này bao gồm hội chẩn lãnh đạo khoa, với kết luận bé bị xâm hại, trẻ sẽ được hội chẩn toàn viện, sau đó thông báo đến các cơ quan có liên quan trẻ em. Nếu lây nhiễm qua con đường tiếp xúc, nhân viên y tế sẽ trấn an và giải thích cho cha mẹ và điều trị theo phác đồ.
"Nếu trẻ không được điều trị sớm sẽ có nguy cơ lây lan tiếp tục đến người tiếp xúc. Song việc điều trị cũng khá khó khăn, ví dụ đốt CO2 là phương pháp phù hợp nhưng rất đau, gây ám ảnh cho trẻ. Vì vậy, việc thuyết phục các bé phối hợp điều trị cũng là thách thức đối với nhân viên y tế", bác sĩ Lợi Em chia sẻ.