Theo các nhà khoa học, cái tên Bigfoot trở nên phổ biến ở Mỹ kể từ năm 1958 khi một bài báo đề cập đến những dấu chân khổng lồ, được cho là của một con quái vật.
Một số người cho rằng Bigfoot chỉ là một truyền thuyết và các nhà khoa học vẫn chưa chứng minh được sự tồn tại của sinh vật này, tuy nhiên, một số người lại khẳng định họ đã nhìn thấy Bigfoot.
Bigfoot ở Trung Quốc được gọi là Yeti, trong khi đó ở Nepal sinh vật này được gọi là Abominable Snowman (Người tuyết khả ái). Ở Australia được gọi là Yowie.
Sasquatch được cho cao khoảng 2-3m, trọng lượng hơn 230kg và được bao phủ trong lớp lông màu nâu sẫm hoặc đen.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Bigfoot Field (BFRO), Bigfoot phát ra một mùi hôi thối nồng nặc, thường là để cảnh báo cho sự hiện diện của con đực hoặc con cái.
Nhiều nhân chứng từng mô tả Bigfoot có đôi mắt to, trán thấp. Bên cạnh đó, những dấu chân khổng lồ của Bigfoot được phát hiện cho thấy nó không giống với một sinh vật nào, khi dài tới 60cm và rộng 20cm.
Cũng theo BFRO, có hàng trăm trường hợp cho biết họ đã nhìn thấy sinh vật này ở Bắc Mỹ mỗi năm. Trong đó, Washington là bang mà Bigfoot dường như được trông thấy thường xuyên nhất, với 700 lần được báo cáo.
Năm 1958, Humboldt Times, một tờ báo địa phương ở Bắc California đã đăng câu chuyện về việc phát hiện ra những dấu chân khổng lồ, bí ẩn gần Bluff Creek, California, và gọi sinh vật tạo ra chúng là Bigfoot. Từ đó, mối quan tâm về Bigfoot ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, đến năm 2002 thì một tờ báo đã viết dấu chân Bigfoot gần Bluff Creek chỉ là một trò đùa. Theo thời gian, Bigfoot dần trở nên quen thuộc trên khắp châu lục.
Đoạn video nổi tiếng nhất ghi lại hình ảnh Bigfoot được thực hiện vào năm 1967 bởi Roger Patterson và Bob Gimlin. Video được quay ở Bluff Creek cho thấy một sinh vật giống linh trưởng cao lớn đầy lông đi bằng hai chân, sải bước qua khoảng đất trống. Mặc dù video này bị nhiều người cho là trò lừa bịp nhưng vẫn là bằng chứng uy tín nhất cho thấy sự tồn tại của Bigfoot.
Vào tháng 8/1980, sự kiện chấn động nhất xảy ra khi người dân ở thị trấn Conemaugh, Johnstown (Mỹ) lần đầu tiên phát hiện ra những vết chân khổng lồ in trong bùn. Đặc biệt bàn chân có tới 6 ngón và vết chân phải cách vết chân trái tới 2,4m.
Ảnh: Wikipedia
Trong cuốn Big Footprints (Johnson Books, 1992), nhà nghiên cứu Grover Krantz cho rằng, các mẫu lông, phân, vết xước trên da và máu của Bigfoot được con người tìm thấy thường chẳng nhận được nghiên cứu khoa học nào.
Năm 2013, một người đàn ông ở Utah (Mỹ) đã phát hiện ra thứ mà anh nghĩ rằng là hộp sọ Bigfoot đã hóa thạch. Tuy nhiên, một nhà cổ sinh học đã khẳng định rằng hộp sọ này đơn giản là tảng đá bị phong hóa.
Năm 2014, một nhóm nhà nghiên cứu đứng đầu là nhà di truyền học quá cố Bryan Sykes đến từ Đại học Oxford (Anh) tiến hành phân tích di truyền 36 mẫu lông thuộc về Bigfoot hoặc Yeti được cho là sinh sống trên dãy Himalaya. Gần như tất cả mẫu lông đến từ loài vật thông thường như bò, gấu mèo, hươu và con người.
Cho đến nay bằng chứng về Bigfoot vẫn còn rất mờ nhạt và phần lớn là bị làm giả, tuy nhiên cộng đồng người hâm mộ sinh vật này không hề nản lòng. Trên thực tế đã từng có bằng chứng hóa thạch cho thấy sự tồn tại của một con vượn thời tiền sử có thể đứng thẳng.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã dựa trên hóa thạch tìm thấy loài Gigantopithecus blacki, cao khoảng 3m và nặng tới 270kg. Tuy nhiên, loài này sống ở Đông Nam Á chứ không phải Bắc Mỹ và đã tuyệt chủng hàng nghìn năm.
Thanh Thảo