Bi kịch của nữ cảnh sát yêu lầm

Nisha Patel-Nasri vất vả làm việc để mua nhà, cấp vốn cho chồng kinh doanh mà không hay biết anh ta phung phí tiền bạc cho người tình bí mật là gái bán dâm.

Gần nửa đêm 11/5/2006, hàng xóm trong khu phố ở Wembley, London, bỗng nghe thấy tiếng phụ nữ hét thất thanh. Họ đi ra ngoài kiểm tra thì thấy Nisha Patel-Nasri, 29 tuổi, đang ôm vết thương chảy rất nhiều máu trên đường lái xe vào nhà. Cô đi chân trần, mặc váy ngủ và mang theo đèn pin.

Nisha nói bị kẻ nào đó đâm, nhờ gọi cảnh sát. Hàng xóm và cảnh sát được gọi đến hiện trường cố cầm máu cho Nisha trước khi cô được đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên do mất máu quá nhiều, Nisha qua đời một tiếng sau đó.

Cảnh sát cho biết Nisha bị đâm một nhát duy nhất ở đùi trái, sâu 13 cm làm thủng động mạch. Hàng xóm nói nghe tiếng Nisha hét "hắn bám theo tôi" và thấy một người đàn ông đội mũ trùm đầu bỏ chạy.

Nisha là cảnh sát bán thời gian của Lực lượng Cảnh sát Tình nguyện Metropolitan, London từ năm 2003. Cô còn kiếm được nhiều tiền nhờ mở tiệm chăm sóc tóc gần nhà.

Tháng 5/2003, Nisha kết hôn với Fadi Nasri, giúp chồng mở công ty cho thuê xe limousine tại nhà của họ. Vào đêm trước khi cô bị sát hại, Nisha cùng chồng đi ăn tối kỷ niệm ba năm ngày cưới.

Nhà của cặp đôi nằm trong khu phố có tỷ lệ tội phạm thấp, nhưng năm ngày trước án mạng, Nisha phát hiện ba người đàn ông giống như kẻ trộm đang cố đột nhập vào khoảng 22h. Khi chạm trán Nisha, họ nói "đi nhầm nhà", nhưng lát sau, một người quay lại và thử mở cửa tiếp, lúc đó Nisha đã khóa cửa ngoài. Fadi cho biết vợ "lo lắng và sợ hãi" sau vụ việc.

Nisha Patel-Nasri và chồng Fadi Nasri trong ngày cưới. Ảnh: Standard

Nisha Patel-Nasri và chồng Fadi Nasri trong ngày cưới. 

Vết đâm trên đùi khiến Nisha thiệt mạng trùng khớp với lưỡi con dao làm bếp bị mất của gia đình. Cảnh sát suy đoán Nisha nghe thấy tiếng kẻ đột nhập nên cầm dao ra ngoài để kiểm tra và bị đâm trong lúc tranh giành vũ khí. Hàng xóm không nghe thấy tiếng động bất thường nào trước khi Nisha hét lên cầu cứu.

Hai chiếc limousine đắt tiền đậu bên ngoài ngôi nhà trị giá 400.000 bảng Anh của cặp đôi, nhưng không có thiệt hại nào.

Cảnh sát loại trừ các thành viên trong gia đình nạn nhân là nghi phạm. Fadi, 34 tuổi, có bằng chứng ngoại phạm vì đang đi chơi bi-a cùng các bạn khi vợ bị tấn công.

Vài ngày sau vụ án, Fadi lên truyền hình kêu gọi cộng đồng cung cấp thông tin nhằm tìm ra kẻ giết vợ. Nhưng sau nhiều tháng điều tra, cảnh sát bắt đầu nghi ngờ Fadi vì được hưởng lợi từ cái chết của vợ.

Đằng sau cuộc hôn nhân có vẻ hạnh phúc, Nisha từng tâm sự với một người bạn rằng cô muốn ly hôn vì bất mãn với chồng. Khao khát có con, Nisha cảm thấy mệt mỏi vì bị bỏ ở nhà một mình trong khi chồng đi chơi đêm. Cô phải làm việc cả tuần, trả khoản đặt cọc 52.000 bảng Anh cho ngôi nhà chung của họ và đưa chồng 15.000 bảng Anh để kinh doanh.

Qua điều tra, Fadi từng điều hành một công ty môi giới mại dâm và có mối tình bí mật với một gái mại dâm người Lithuania.

Fadi lái xe Lexus và tuyên bố kiếm được hơn 150.000 bảng Anh mỗi năm, nhưng thực tế lại mắc nợ lên tới sáu con số do kinh doanh thất bại và "tiêu tiền như nước" cho tình nhân.

Ba tháng trước án mạng, Fadi cùng vợ ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chung với số tiền bồi thường 350.000 bảng Anh. Sau cái chết của Nisha, Fadi nhận tiền bồi thường để trả hết nợ. Anh ta còn lấy danh nghĩa vợ cố đòi quyền thừa kế một nửa căn nhà của bố mẹ Nisha từ anh trai cô, giá trị lên tới gần 400.000 bảng Anh.

Chỉ sáu tuần sau cái chết của vợ, Fadi dần công khai cuộc sống hai mặt của mình. Anh ta giới thiệu người tình với bạn bè, đưa đi nghỉ ở Lithuania, Tây Ban Nha, Las Vegas và Los Angeles. Sau đó, Fadi bán nhà của hai vợ chồng với giá 410.000 bảng Anh để chuyển đến sống với tình nhân.

Fadi Nasri trong đám tang vợ vào tháng 6/2006. Ảnh: PA

Fadi Nasri trong đám tang vợ vào tháng 6/2006. 

Sáu tháng sau án mạng, cảnh sát tìm thấy con dao bị vứt dưới cống ở con phố gần hiện trường nhờ trích xuất camera giám sát. Tuy nhiên, ADN trên hung khí không khớp với bất kỳ người nào trong cơ sở dữ liệu quốc gia.

Cảnh sát có bước đột phá khi Fadi cáo buộc một đối tác kinh doanh liên quan đến vụ giết người và tuyên bố nhận được những lời dọa giết từ người này. Kiểm tra điện thoại di động của Fadi để tìm những lời đe dọa, cảnh sát phát hiện một số cuộc gọi vào ngày xảy ra án mạng liên kết anh ta với ba kẻ đáng ngờ là Rodger Leslie, 38 tuổi, kẻ buôn ma túy khét tiếng; Jason Jones, 36 tuổi, nhân viên bảo vệ hộp đêm có nhiều tiền án; và Tony Emmanuel, 42 tuổi, nhân viên hộp đêm.

Qua camera giám sát gần hiện trường tìm thấy con dao, nghi phạm đội mũ trùm đầu có thân hình lực lưỡng tương tự Jason leo lên chiếc Audi màu bạc tẩu thoát sau khi vứt hung khí. Dù không thể xác định được biển số, chiếc xe chở nghi phạm được xác định là xe của Tony bởi đặc điểm trùng khớp là ăng ten không đạt tiêu chuẩn và đèn biển số phía sau bên trái bị lỗi.

Trong quá trình thẩm vấn, Tony thừa nhận được Jason thuê chở đến nhà Nisha và Fadi để bán ma túy, nhưng khẳng định không biết Jason mưu đồ giết người. Qua lời khai của Tony, cảnh sát kết luận Jason đã ở trong nhà Nisha vào đêm xảy ra án mạng và được cung cấp chìa khóa.

Fadi bị bắt vì tội giết vợ vào ngày 27/2/2007. Khi cảnh sát thông báo về việc bắt giữ các đồng phạm, anh ta suy sụp, sau đó thú nhận đã trả tiền cho Rodger để thực hiện vụ giết người.

Vụ giết Nisha đã được Fadi tính toán trước. Anh ta giao kèo với Rodger dàn xếp gây án, Rodger sau đó thuê Jason thực hiện. Sau đó, Fadi đảm bảo rằng vợ ở nhà một mình vào đêm định mệnh, còn anh ta ra ngoài, tạo bằng chứng ngoại phạm.

Fadi đưa chìa khóa để Jason vào nhà và lấy một con dao trong bếp. Nghe thấy có kẻ đột nhập, Nisha, vốn đang chuẩn bị đi ngủ, chộp lấy đèn pin và đi xuống cầu thang để kiểm tra. Cảnh sát nhận định Jason đâm Nisha ở trong nhà, cô loạng choạng bước ra ngoài cửa khi Jason bỏ chạy.

Ngày 28/5/2008, Fadi, Rodger và Jason bị bồi thẩm đoàn kết tội giết người. Tony được tuyên trắng án.

Theo công tố viên, động cơ gây án là tiền bạc. Fadi cần tiền bảo hiểm của vợ để trả nợ và bắt đầu cuộc sống mới với người tình. "Tất cả người mô tả họ là cặp đôi hạnh phúc đều không biết Fadi đang sống một cuộc sống hai mặt", công tố viên nói trước tòa.

Tháng 6/2008, Rodger bị kết án tù chung thân với thời hạn tối thiểu để được ân xá là 18 năm, còn Jason và Fadi nhận án chung thân với thời hạn tối thiểu để được ân xá là 20 năm.

Khi bản án được công bố, Fadi lắc đầu, Rodger cười và lẩm bẩm "Thật ngớ ngẩn". Tony chạy nhanh qua cửa bục bị cáo và hét lên "Tôi tự do" trong khi Rodger chế nhạo: "Nhớ khóa cửa sau lưng nhé". Jason ngồi im lặng suốt buổi.

Tuệ Anh