Ăn chân gà bổ sung collagen và tốt cho xương khớp
Như đã biết các bộ phận của thịt gà như vùng da, cánh, sụn và chân gà cung cấp lượng collagen phong phú. Nhiều người nghĩ chân gà chỉ toàn da bọc xương mà không hay biết rằng đây là phần nhiều người thích ăn và vô cùng bổ dưỡng.
Thứ nhất, ăn chân gà bổ sung collagen giúp tăng độ đàn hồi cho da, ngăn ngừa tình trạng chảy xệ và nhăn nheo. Làn da phụ nữ 25 tuổi trở đi cần bổ sung nhiều hơn collagen để làn da sẵn chắc, ngăn lão hóa sớm.
Người xưa có câu ăn gì bổ nấy. Vì lẽ đó ăn chân gà được chứng minh có tác dụng bổ gân cốt, giúp xương chắc khỏe. Bổ sung collagen giúp tăng cường hấp thu canxi vào xương, giảm nguy cơ loãng xương. Mặt khác, trong nước luộc gà còn chứa nhiều chondroitin và glucosamine giúp hỗ trợ xương khỏe mạnh, đặc biệt hỗ trợ người bệnh viêm xương khớp.
Bên cạnh đó, thiếu hụt collagen còn là nguyên nhân gây cứng khớp, đau nhức khớp. Do vậy, nhiều bài thuốc từ món chân gà như chân gà hầm hạt sen có tác dụng xây dựng khớp, phát triển các mô nhờ chondroitin sulfat và glucosamine.
Ngoài ra, bổ sung collagen từ chân gà còn có ích trng việc duy trì trọng lượng cơ thể. Collagen là một loại protein tự nhiên không chứa carb và rất lý tưởng để đưa vào chế độ ăn uống lành mạnh. Collagen còn chứa nhiều axit amin giúp ngăn chặn sự thèm, mang lại cảm giác no lâu hơn và cuối cùng giúp giảm cân.
Ăn chân gà đúng cách để có tác dụng tốt nhất
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh , Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội), chân gà dù là món ăn khoái khẩu nhưng cũng cần lưu ý có thể không tốt cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều.
Trước hết, da gà chứa rất nhiều chất béo nếu ăn quá nhiều gây nguy cơ tăng mỡ máu ở những người có cholesteol cao. Do đó, người có mỡ máu cao hoặc bị bệnh cao huyết áp nên hạn chế ăn chân gà.
Ngay cả người gầy cũng có nguy cơ rối loạn chuyển hóa khi ăn nhiều chân gà. Khoảng 75-80% cholesterol trong máu được sản xuất ở gan và các cơ quan khác trong cơ thể, phần còn lại đến từ thức ăn. Do đó, những người có vấn đề về rối loạn chuyển hóa chất béo nên hạn chế các thực phẩm nhiều cholesterol điển hình là chân gà và nội tạng động vật.
Thứ hai ăn chân gà tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc và vệ sinh an toàn thực phẩm. Do chân gà thường xuyên tiếp xúc với đất cát, môi trường bẩn. Nếu không được sơ chế sạch sẽ ăn vào dễ gây các bệnh về đường tiêu hóa.
Mặt khác, nguy cơ ngộ độc thường trực khi chân gà hiện nay chủ yếu là hàng ôi thiu được nhập lậu hàng loạt. Trong quá trình chế biến chân gà được tẩm ướp nhiều loại gia vị hóa chất khi chiên, nướng ở nhiệt độ cao dễ chuyển thành chất gây ung thư.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo tốt nhất nên mua chân gà rõ nguồn gốc về tự chế biến. Tránh ăn chân gà vỉa hè, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe.