Chảy máu mũi suốt 10 ngày, đưa con đến viện phát hiện đỉa ký sinh trong mũi

Bé gái 8 tuổi bị chảy máu mũi suốt 10 ngày không rõ nguyên nhân. Khi vào viện, bác sĩ phát hiện có một con đỉa chui vào mũi bệnh nhi từ một lần bé uống nước suối.
Ngày 8/1, ông Nguyễn Thanh Tiên, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, cho biết các bác sĩ vừa can thiệp một trường hợp bị đỉa ký sinh trong mũi.
 
Đó là bé gái Hồ Bích T. người dân tộc Ca Dong, 8 tuổi trú xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Trước đó bé nhập viện ngày 6/1 với triệu chứng chảy máu mũi suốt 10 ngày không rõ nguyên nhân. Qua kiểm tra nội soi, các bác sĩ xác định có sinh vật ký sinh trong mũi.
 
Chảy máu mũi suốt 10 ngày, đưa con đến viện phát hiện đỉa ký sinh trong mũi
Con đỉa dài 5cm được lấy ra từ mũi bệnh nhi
 
Sau đó các bác sĩ tiến hành can thiệp lấy ra con đỉa dài 5cm trong mũi bệnh nhi. Gia đình cho biết khoảng 2 tuần trước cháu bé có uống nước suối rồi vài ngày sau bắt đầu có hiện tượng chảy máu mũi. Rất có thể trong lúc uống nước suối bé đã vô tình bị đỉa chui vào mũi nhưng không biết.

Thực tế các trường hợp bị đỉa hay động vật sống ký sinh trong mũi không phải hiếm. Đặc biệt với bà con vùng núi cao, có thói quen tắm hay uống nước ở sông suối nên rất dễ bị sinh vật chui vào mũi họng hay cả bộ phận sinh dục ký sinh.

Theo các bác sĩ, đỉa thường sống trong môi trường nước tại các khe suối. Sau khi chui vào cơ thể, đỉa sống ký sinh bằng cách hút máu tại vị trí ký sinh rồi nhanh chóng to dần lên, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
 
Chảy máu mũi suốt 10 ngày, đưa con đến viện phát hiện đỉa ký sinh trong mũi
Thói quen ăn uống hay tắm rửa ở ao hồ, suối là nguyên nhân chính khiến các sinh vật ký sinh chui vào cơ thể. Ảnh: Asianews

Khi ký sinh, đỉa thường bám vào một vị trí nào đó để hút máu. Khi đó, người bệnh sẽ cảm nhận được một số triệu chứng như: tăng áp lực, khó chịu, đau có thể kèm ngứa, thần kinh bị kích thích bắt nguồn từ nơi bị ký sinh.

Tại vị trí ký sinh có thể bị rối loạn chức năng, bội nhiễm vi khuẩngây viêm, có thể tạo ổ áp xe ở lớp dưới niêm mạc. Nếu tình trạng chảy máu kéo dài, bệnh nhân có thể bị thiếu máu.

Nếu đỉa bám vào thanh quản sẽ ho liên tục, đờm có chất nhầy, máu. kèm các triệu chứng đau ngực, khó thở, khàn giọng, tím tái, đôi khi mất tiếng nói. Nếu đỉa ký sinh ở hầu, khí quản có thể gây ngạt thở, dẫn tới tử vong. Sâu hơn nếu đỉa ký sinh ở lưỡi gà, thực quản sẽ gây triệu chứng nuốt khó, nôn ọe.

Do vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên bơi lội, tắm hay uống nước ở khe suối, bờ sông. Nếu có dấu hiệu bất thường cần nhập viện để thăm khám sớm.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/01/08/het-hon-dia-chui-vao-mui_08012020152933.mp4[/presscloud]
Nhiều người Quảng Nam bị đỉa chui vào mũi. Video: ANTV
 
 
Hà Ly (t/h)