Chỉ số chiều cao cân nặng cho nữ tuổi 12
Trung bình, tuổi dậy thì của bé trai là từ 13 đến 14 tuổi, còn bé gái thì sớm hơn 1 chút là từ 11 đến 13 tuổi. Do đó, ở lứa tuổi 12, các bé gái đang trong giai đoạn dậy thì nên phát triển rất nhanh về vóc dáng.
So với người lớn, chiều cao và cân nặng của trẻ 12 tuổi chưa thực sự ổn định. Trẻ dậy thì sớm sẽ phát triển nhanh hơn, nhưng hầu hết các bé gái ở lứa tuổi này đều phát triển chiều cao nhanh hơn cân nặng.
Dù ở cùng độ tuổi nhưng bé gái và bé trai cũng có sự phát triển khác nhau. Các bé gái thường dậy thì trước nên nhìn có vẻ cao lớn hơn các bé trai. Thậm chí, không ít bé đã ra dáng như một thiếu nữ.
Nhiều phụ huynh có con gái ở độ tuổi này không ngừng thắc mắc: "Bé gái 12 tuổi có chiều cao cân nặng như thế nào mới là chuẩn?". Đáp án là, bé gái 12 tuổi có chiều cao chuẩn nhất là 149,8cm và cân nặng là 41,5kg.
Nếu con có chỉ số chiều cao cân nặng cao hơn mức trung bình là tốt, nhưng nếu cả 2 đều thấp hơn thì thuộc vào diện suy dinh dưỡng. Bé có cân nặng cao hơn mức bình thường đối mặt với nguy cơ thừa ăn, chiều cao thấp hơn mức bình thường sẽ đối mặt với nguy cơ thấp còi.
Bí quyết tăng cường chiều cao cân nặng cho trẻ 12 tuổi
Ở lứa tuổi này, trẻ bắt đầu hoặc đang bước vào giai đoạn dậy thì nên được xem là 1 trong 3 giai đoạn vàng để bé phát triển chiều cao tốt nhất. Để trẻ phát triển chiều cao toàn diện, phụ huynh cần đảm bảo các yếu tố như dinh dưỡng, vận động, giờ giấc sinh hoạt và ngủ nghỉ khoa học cho con.
Về dinh dưỡng: Tập trung bổ sung canxi (cá, hải sản, trứng, sữa...) để phát triển xương, protein (thịt bò, thịt gia cầm, đậu, sữa, cá...) để phát triển cơ bắp và xương, vitamin D (nấm, sữa, cá, ánh nắng mặt trời...) và kẽm (hàu, lạc, cua, bí ngô...) để hỗ trợ xương chắc khỏe.
Về thể chất: Cho trẻ tham gia nhiều hoạt động thể chất, lựa chọn các môn thể thao thiên về thúc đẩy chiều cao như chạy bộ, bơi lội, bóng rổ...
Về giấc ngủ: Khuyến khích trẻ ngủ sớm, đúng giờ, ngủ ít nhất 7-9 tiếng/ngày.
Với những trẻ cần tăng cân, phụ huynh nên lựa chọn những thực phẩm giàu năng lượng nhưng vẫn đủ chất dinh dưỡng, hạn chế ăn đồ đóng hộp, đồ ăn nhanh... Tăng cường cho trẻ ăn bánh mì, ngũ cốc, thịt, cá, trứng, đậu... Chú trọng chất béo lành mạnh trong thực phẩm như quả bơ, cá, dầu thực vật. Trẻ cần được ăn ít nhất 5 phần rau, củ quả/ngày.
Còn những trẻ cần giảm cân thì cần hạn chế những loại thực phẩm giàu năng lượng. Giảm pizza, hamberger, khoai tây chiên, nước ngọt, bánh kem, kem, kẹo, chất béo từ mỡ động vật, hạn chế các món ăn nướng, chiên rán; tăng cường các loại ngũ cốc, chất béo thực vật, rau củ quả, đồ ăn luộc hấp. Đặc biệt, cho trẻ hoạt động nhiều hơn.
Thùy Nguyễn (t/h)