Bệnh nhân mắc COVID-19 ở Việt Nam chủ yếu là người trẻ, chuyên gia nói gì?

Trong khi xu hướng chung ở nhiều nước trên thế giới là số bệnh nhân mắc COVID-19 tập trung nhiều ở người già, người có bệnh mạn tính thì ở Việt Nam số ca mắc hầu hết là người trẻ? Nguyên nhân do đâu?
Trả lời báo Dân trí, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam trong thời gian qua có một số điểm khác biệt so với tình hình chung của thế giới, đặc biệt là về nguồn lây nhiễm.
 
Thứ nhất, nếu đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên, nước ta chỉ ghi nhận các ca bệnh chỉ từ Trung Quốc, Hàn Quốc thì hiện tại, các ca bệnh xuất phát từ nhiều khu vực khác từ châu Âu, châu Mỹ, các nước Đông Nam Á. Số ca mắc tăng vọt đều là người nhập cảnh, với hầu hết chuyến bay đều phát hiện có người dương tính.
 
Chuyên gia lý giải vì sao người mắc COVID-19 ở Việt Nam chủ yếu là người trẻ
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng

Thứ hai, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng đã có sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, điển hình là tại Bệnh viện Bạch Mai chứ không phải lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Số ca ban đầu (F0) quá nhiều, nhập cảnh dồn dập nên chưa thể kiểm soát hết. "Vì thế, vấn đề quan trọng là ngoài phát hiện các ca xâm nhập chúng ta cần phát hiện sớm các ca trong cộng đồng, quản lý chặt, không để bùng phát thành ổ dịch lớn", ông Phu nhấn mạnh.

Còn về việc số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam chủ yếu là người trẻ. Ông Phu lý giải, người già chưa mắc nhiều, chủ yếu là người trẻ vì là các xâm nhập. Tại Việt Nam, phần lớn số ca hiện nay đều là du học sinh trong khi một số nước như Trung Quốc, Italia... ghi nhận số ca mắc ở người già nhiều do dịch đã bùng phát trong cộng đồng.
 
Chuyên gia lý giải vì sao người mắc COVID-19 ở Việt Nam chủ yếu là người trẻ
Danh sách các chuyến bay có người nhiễm COVID-19

Ông Phu cho rằng dịch bùng phát trong cộng đồng mới là điều đáng sợ nhất. Vì thế các biện pháp chống dịch cần làm kiên quyết. Mục tiêu phát hiện ca dương tính ở cả bên ngoài và bên trong.
 
Đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh người già, hay trẻ em, thanh niên… Tuy nhiên những người già, người có bệnh nền sẵn nếu nhiễm bệnh thì triệu chứng nặng hơn, dễ tử vong hơn.
 
Số ca bệnh chủ yếu là xâm nhập từ bên ngoài vào cũng làm thay đổi môi trường dịch tễ trong nước. Ông Phu khuyến cáo, người dân không được chủ quan, lơ là mà cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh vì đã có ca lây nhiễm tại cộng đồng.

"Trước đây số ca mắc ít, chỉ là ca xâm nhập từ bên ngoài vào thì nguy cơ lây thấp hơn, có đi chỗ này chỗ kia cũng khó lây. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại nên hạn chế đi lại, không đi ra đường, đến nơi đông người nếu không thực sự cần thiết", ông Phu chia sẻ.

Người già không có việc gì thì không nên đi ra ngoài, không đi xe bus. Khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt là người già, người có bệnh nền sẵn có.

Người dân cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh như: đeo khẩu trang khi ra chỗ đông người, rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhiều lần trong ngày, không đưa tay lên mặt…
 
"Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa người dân không hoang mang quá nhưng không được chủ quan", nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nói.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/03/10/TRANG CHỦ - Bộ Y tế - Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19_10032020174005.mp4[/presscloud]
Khuyến cáo chung của Bộ Y tế về phòng dịch COVID-19
 
 
Hà Ly (t/h)