Có thể trưng cầu giám định tâm thần người mẹ sát hại con đẻ và cháu nhỏ

Theo ý kiến của luật sư, người phụ nữ sát hại con và cháu nhỏ tại khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) hôm 20/7 có thể được cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần nhằm xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

co the trung cau giam dinh tam than nguoi me sat hai con de va chau nho
Nơi xảy ra vụ án mạng.

Có thể trưng cầu giám định tâm thần người mẹ sát hại con đẻ và cháu nhỏ

Liên quan đến vụ người phụ nữ nghi bị trầm cảm sát hại con trai và cháu gái mình tại khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội), trao đổi với PV qua góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm, trưởng VPLS Nguyễn Anh (đoàn LSTP Hà Nội) cho biết: "Đây là vụ việc hết sức đau lòng khi nghi phạm chính là mẹ ruột đã sát hại con đẻ và cháu ruột nghi do bị bệnh trầm cảm. Đây cũng là căn bệnh mà nhiều bà mẹ sau sinh mắc phải và thực tế đã có nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng như cả nước thời gian qua".

"Qua điều tra ban đầu, nếu xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người được quy định tại Điều 123 BLHS 2015. Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định nghi phạm Hoàng Thị Sen trước đó đã từng được gia đình đi điều trị bệnh tâm thần tại cơ sở y tế và quá trình thực hiện hành vi phạm tội xét thấy có bị ảnh hưởng bệnh tâm thần thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với nghi phạm nhằm xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ làm căn cứ xử lý nghi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định nghi phạm bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vụ án sẽ được đình chỉ. Khi đó, người mẹ sẽ phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh", luật sư Thơm phân tích.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, trường hợp kết luận của cơ quan chuyên môn xác định nghi phạm bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người với tình tiết định khung theo điểm a, b khoản 1 Điều 123 BLHS 2015. Khi đó, việc nghi phạm bị bệnh tâm thần hạn chế được coi là tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi đưa ra xét xử.

Trước đó, khoảng 18h ngày 20/7, bảo vệ của KĐT Thanh Hà đã phát hiện giải cứu một người phụ nữ có những dấu hiệu bất thường định tự tử. Sau khi nghe người phụ nữ này liên tiếp nói: "Tôi thắt cổ chết nhưng chưa chết được, tôi giết chết hai con tôi rồi". Thấy vậy, lực lượng bảo vệ của tòa nhà đã chạy đến căn hộ của người phụ nữ trên kiểm tra, phát hiện thi thể hai cháu bé.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, công an huyện Thanh Oai đã phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự, phòng CSHS, công an TP Hà Nội tiến hành điều tra, làm rõ.

co the trung cau giam dinh tam than nguoi me sat hai con de va chau nho
Nghi can Hoàng Thị Sen đã bị công an bắt giữ.

Nghi can trong vụ án chính là Hoàng Thị Sen (SN 1985, trú tại HH021C KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Được biết vào đầu năm 2018, Sen liên tiếp chịu hai cái tang cha và chú. Quá đau lòng nên sau đó người này rơi vào trạng thái trầm cảm.

Gia đình đã đưa Sen đi chữa bệnh tại Lào Cai. Gần 2 tuần nay, thấy bệnh tình của Hoàng Thị Sen thuyên giảm, anh Nguyễn H.T, chồng của Sen đã đón vợ về ở cùng con trai là cháu Nguyễn K.H (SN 2010). Sáng 20/7, anh T. đi làm, để vợ ở nhà chơi cùng con và cháu gái (con của chị anh T.) là cháu Nguyễn A.T, (SN 2011) thì xảy ra sự việc đau lòng.

Những thảm kịch vì chứng trầm cảm của người mẹ

Mẹ trầm cảm sau sinh sát hại con 33 ngày tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội 

co the trung cau giam dinh tam than nguoi me sat hai con de va chau nho
Người phụ nữ sau khi sát hại con đã để lại dòng chữ trên những bậc cầu thang.

Ngày 12/6/2017, dư luận cả nước đã rúng động trước vụ án mạng cháu bé 33 ngày tuổi bị mẹ đẻ sát hại. 

Người mẹ ấy là Phan Thị Tr. (SN 1997), nạn nhân của chứng trầm cảm sau sinh. Điều này đã khiến người phụ nữ đánh mất chính mình, đang tay giết con rồi dựng lên một màn kịch nhằm che giấu tội ác.

Khoảng 2h sáng ngày 12/6/2017 chị Tr. tỉnh giấc vì nghe tiếng con khóc, Tr. cho con bú khoảng 5 phút thì cháu bé ngủ. Sau đó, Tr. đặt con xuống giường và đi ngủ. Tuy nhiên, sau đó Tr. lại tỉnh dậy và bế con trai từ phòng ngủ ra gần cầu thang lối lên tầng hai của gia đình rồi thả con vào chậu nước trong tư thế sấp mặt xuống đáy chậu rồi đi xuống nhà vệ sinh tầng một.

Sau khi thực hiện hành vi thả con trong chậu nước, Tr. lên phòng tầng hai ngủ như bình thường. Trong lúc đi lên tầng hai thì thấy cục than hoa, Tr. liền lấy viết dòng chữ "Tao sẽ giết cháu mày Lăng" rồi lên giường đi ngủ cho đến khi ông Vũ Đình Lăng (SN 1948, bố chồng Tr.) phát hiện sự việc và gọi hai vợ chồng dậy.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này là do Phan Thị Tr. mắc bệnh trầm cảm sau sinh nặng nên xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực. Đây cũng là căn bệnh mà nhiều bà mẹ sau sinh mắc phải. Sau đó, Tr. được cơ quan điều tra đưa đi giám định sức khỏe tâm thần tại viện pháp y tâm thần trung ương vào đầu tháng 1 năm nay.

Người phụ nữ sát hại con 18 tháng tuổi rồi uống thuốc độc tự tử

co the trung cau giam dinh tam than nguoi me sat hai con de va chau nho
Ảnh minh họa

Khoảng 3h sáng 29/8/2017, chị T.T.P. (SN 1989, trú xóm 7, xã Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An) đã ra tay sát hại con trai 18 tháng tuổi của mình ngay tại nhà riêng. Sau khi sát hại con trai, P. uống thuốc độc để tự tử.

Sự việc sau đó được con trai của chị P. phát hiện và chạy sang nhà người thân gần đó kể lại. Nghe sự việc, mọi người lập tức chạy đi tìm thì phát hiện chị P. đang nằm quằn quại dưới đường còn đứa con trai 18 tháng tuổi của P. đã tử vong trước đó.

Sau đó, P. được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An trong tình trạng nguy kịch. Được biết, chồng chị P. mất trước đó gần 1 năm vì tai nạn giao thông trong lúc đi làm ăn xa. Từ đó, P. ở với 2 con nhỏ và có biểu hiện buồn bã. Nhiều người suy đoán có thể chị P. bị trầm cảm dẫn đến hành động dại dột.

Bé 7 tháng cùng mẹ chết trong tư thế treo cổ đúng ngày Tết

co the trung cau giam dinh tam than nguoi me sat hai con de va chau nho
Ngôi nhà xảy ra vụ việc.

Tết Đinh Dậu 2017, chị H. cùng con nhỏ 7 tháng tuổi ở lại huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) thay vì theo chồng về quê ở Nghệ An đón Tết.

Tại căn phòng trọ, người mẹ trẻ đã cùng con trai 7 tháng tuổi treo cổ tự tử trong nhà vệ sinh. Sự việc chỉ được phát hiện nhiều ngày sau đó khi chồng H. từ quê vào gọi cửa nhưng không thấy ai ra mở cửa.

Nguyên nhân sự việc đau lòng được xác định do H. bị trầm cảm. Người phụ nữ nhiều đêm liên tiếp không thể ngủ, người hao gầy, luôn tỏ ra buồn rầu, chán nản.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 13 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự:

"1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.”