6 tháng kể từ vụ giẫm đạp chết người trong lễ Halloween ở khu phố đêm Itaewon, nguy cơ quá tải vẫn ở mức cao tại nhiều địa điểm công cộng ở Hàn Quốc, theo Chosun Ilbo.
Ví dụ điển hình là Gimpo Goldline, tuyến vận tải đường sắt gồm các tòa tàu điện ngầm hai toa được khai trương vào tháng 8/2019. Mục đích sử dụng là để kết nối Gimpo, một thành phố ở ngoại ô phía tây Seoul, với hệ thống tàu điện ngầm của thủ đô thông qua Ga Sân bay Quốc tế Gimpo.
Đây cũng là phương tiện giao thông đường sắt duy nhất cho 500.000 người dân của Gimpo.
Tuy vậy, Gimpo Goldline bị đặt biệt danh là "con tàu địa ngục" vì tình trạng tắc nghẽn kinh hoàng trong giờ cao điểm. Mật độ đám đông trong vụ giẫm đạp ở Itaewon là 9-10 người/m2, còn trong thời gian cao điểm trên Gimpo Goldline là 7-8 người/m2.
Cảnh tượng các ga tàu điện ngầm luôn tấp nập người đến, người đi đã là một phần hình ảnh của Seoul. Ảnh: Korea Herald. |
"Con tàu địa ngục"
Tuần trước, một thiếu nữ tuổi teen và một phụ nữ ở độ tuổi 30 ngất xỉu vì khó thở trong lúc chen lấn tại Ga Sân bay Quốc tế Gimpo. Một công nhân phụ trách an toàn tại bến cho biết: "Cứ khoảng 2 ngày, tôi lại thấy có khoảng một hành khách kêu than khó thở, tức ngực”.
Vụ việc đã khiến Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc quyết định triển khai thêm 5 chuyến tàu trên tuyến vào tháng 9 năm sau.
Nhưng hành khách cho biết các phương án giải quyết cần phải được đẩy nhanh tốc độ sớm ngay lập tức. Nhiều cư dân ở thành phố Gimpo cho biết họ nhận thức đầy đủ về những rủi ro thảm họa nhưng không có lựa chọn nào khác.
Một nhân viên văn phòng 36 tuổi, đi từ Gimpo đến Seoul mỗi ngày, cho biết: "Tôi phải bỏ qua 4-5 chuyến tàu vì chúng chật cứng và càng đông hơn khi trời mưa hoặc tuyết rơi".
Nhiều trường hợp hành khách bị đẩy ra khỏi tàu hỏa khi đám đông ùa vào bên trong từng xảy ra. Một nhân viên văn phòng 35 tuổi đang mang thai 4 tháng và hàng ngày đi từ Gimpo đến Eulji-ro ở trung tâm thủ đô, kể lại: "Các chuyến tàu thường chật kín khi tôi bước chân lên và rất khó khăn để lách được vào bên trong".
Cảm giác nghẹt thở là điều đông hành khách phải trải qua khi chen lấn từng cm trong những toa tàu điện ngầm ken đặc người vào giờ cao điểm. Ảnh: Hani. |
"Tôi từng thấy chính quyền, các ứng cử viên tổng thống trải nghiệm tình trạng tàu điện ngầm ở trong nước và chỉ ra vấn đề quá tải, nhưng không có gì thay đổi. Đến khi có một tai nạn lớn xảy ra như Itaewon, các quan chức mới bắt tay vào sửa đổi", một người dân 77 tuổi ở Gimpo phàn nàn.
Theo chính quyền thành phố Gimpo, một chuyến tàu ở Gimpo Goldline được thiết kế để chuyên chở 86 hành khách, với sức chứa tối đa là 115 người. Thế nhưng, tính toán của Liên đoàn Lao động cho thấy có 280 người lên mỗi chuyến tàu trong giờ cao điểm.
Năm nay, người dùng trung bình hàng ngày đã tăng từ 77.000 người vào tháng 2 lên 78.000 người vào tháng 3. Sân bay cũng đang hoạt động hết công suất.
Do quá đông, các chuyến tàu đã bị chậm trễ và hỏng hóc không ít lần. Theo Hiệp hội Tàu điện ngầm Gimpo, ít nhất 1.769 sự cố đã xảy ra trong 2 năm 2021-2022, trong khi các chuyến tàu bị chậm hơn 20 phút trong 2 lần kể từ đầu năm.
Giải quyết cầm chừng
Hiện tại, giới chức điều hành của thành phố Gimpo và chính quyền trung ương vẫn chưa thể đưa ra giải pháp triệt để. Các nhà ga được thiết kế để chỉ chứa các đoàn tàu 2 toa. Điều này hạn chế nghiêm trọng mọi nỗ lực mở rộng chúng.
Ban đầu, chúng được đề xuất để chứa các đoàn tàu 3 toa và các thành viên hội đồng thành phố đã đề xuất nâng con số đó lên 4 toa do dân số khu vực dự kiến còn tăng. Nhưng do ngân sách hạn chế và những lo ngại về lợi nhuận, việc cắt giảm đã được thực hiện.
Nhà ga Sân bay Quốc tế Gimpo luôn chật ních hành khách. Ảnh: Chosun Ilbo. |
Khi được hỏi về việc tính toán không chính xác, một quan chức thành phố Gimpo đã phủ nhận và nói: "Vấn đề đám đông chỉ xảy ra trong giờ cao điểm".
Các chuyên gia cho rằng tình trạng quá tải trên tàu điện ngầm không thể được giải quyết đơn giản bằng cách triển khai thêm các chuyến tàu hoặc tăng cường các phương tiện đi lại thay thế.
Yu Jeong-whon tại Đại học Ajou cho biết: "Các biện pháp dự phòng sẽ không giải quyết được vấn đề khi sức chứa các sân ga tàu điện ngầm bị giới hạn".
Sau vụ việc, chính quyền Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp. Giới chức Seoul tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp an toàn, cụ thể là triển khai đội ngũ kiểm soát.
Theo đó, nhân viên của Seoul Metro sẽ được triển khai tại các ga thuộc tuyến Gimpo Goldline để quản lý tình trạng quá tải trên các sân ga và tàu điện ngầm bằng cách hạn chế mọi người chen chúc.
Thành phố cũng sẽ tăng cường hoạt động xe buýt để phân tán nhu cầu hành khách và xem xét giới thiệu dịch vụ xe buýt lội nước giữa bến cảng Gimpo và sông Hàn - một ý tưởng do thị trưởng thành phố Gimpo đề xuất.