Chiều 18/4, trong trong 12 phút trình bày lời nói sau cùng, qua hai ngày bị xét xử tại TAND Hà Nội, cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn dành lời xin lỗi đầu tiên tới cán bộ y tế của hai bệnh viện ông từng công tác lâu năm: Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai.
"Tôi đã làm tổn thương đến họ, ảnh hưởng uy tín bệnh viện", bị cáo 56 tuổi trình bày và mong muốn các đồng nghiệp ngành y coi vụ án của ông là bài học "vô cùng đau xót, tránh mắc phải".
Ông nói nhận thức được sai phạm, "không có lời nào để bào chữa thêm", chỉ mong HĐXX cân nhắc giảm án nhiều hơn cho 11 đồng phạm, đặc biệt là 5 cựu cán bộ dưới quyền ở Bệnh viện Tim Hà Nội. Những cán bộ này chỉ làm theo chỉ đạo của ông, không được hưởng lợi nhưng đã cố gắng khắc phục trong khả năng tối đa.
Ông Tuấn thừa nhận vụ án là "bài học lớn" cho mình, sau cả cuộc đời phấn đấu trong ngành y. Ông kể học sinh xuất sắc của Đại học Y Hà Nội dù đủ điều kiện đi học nước ngoài nhưng tình nguyện tham gia chiến đấu ở biên giới. Sau xuất ngũ, ông tiếp tục học tập và trở thành bác sĩ tim mạch với trình độ được công nhận bởi nhiều tổ chức y tế, tim mạch hàng đầu thế giới.
Hiện, Bệnh viện Tim Hà Nội trở thành đơn vị đầu ngành tim cả nước, hoàn thiện nhất. Hàng nghìn bác sĩ chuyên ngành tim mạch Việt Nam giỏi nghề được đào tạo, cống hiến; hàng chục nghìn bệnh nhân được kịp thời can thiệp, cứu sống, theo ông Tuấn, có sự đóng góp của mình.
Ông hy vọng sau này được "vẫn được cống hiến, nghiên cứu, đào tạo ra nhiều bác sĩ tim mạch giỏi nghề, tiếp tục cứu người".
Trước đó trong bản luận tội, ông Tuấn bị VKS đề nghị mức án 4-5 năm tù, thấp hơn khung truy tố (10-20 năm) về tội Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự.
Mức án VKS đề nghị với 12 bị cáo
Các bị cáo là cựu cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội trong lời nói sau cùng cũng ghi nhận sự đóng góp của ông Tuấn với sự phát triển của đơn vị. Bị cáo Nghiêm Tuấn Linh, cựu Phó phòng Vật tư, cho hay "bác sĩ Tuấn thổi hồn vào các cán bộ y tế, truyền tinh thần làm việc hăng say hết mình, tận hiến vì bệnh nhân".
"Bệnh viện Tim Hà Nội trước năm 2012 có cơ sở vật chất cơ bản, lượng bệnh nhân can thiệp tim mạch hằng năm chỉ khoảng 100, mỗi ngày phẫu thuật 3-4 ca. Sau đó, dưới sự lãnh đạo của ông Tuấn, số ca mổ tim tăng gấp 4 lần mỗi ngày", bị cáo Tuấn Linh trình bày và đánh giá bệnh viện giờ đã trở thành đơn vị đầu ngành.
Luật sư: Bác sĩ Tuấn làm sai quy trình để cứu người
Trong phần bào chữa cho ông Tuấn, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng dù thân chủ thừa nhận sai phạm, không đổ lỗi cho hoàn cảnh, song ông vẫn mong tòa xem xét toàn diện hoàn cảnh phạm tội.
Ông Ứng cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm của bị cáo Tuấn "chỉ là nóng vội", lo sợ bệnh viện không còn vật tư cứu chữa cho bệnh nhân. "Nếu cứng nhắc và nguyên tắc, bác sĩ Tuấn có thể ngừng cấp cứu, ngừng tiếp nhận bệnh nhân khi hết vật tư để chờ kết quả đấu thầu tập trung, sai phạm đã không xảy ra", luật sư nói.
Theo luật sư, với lương tâm bác sĩ, đặt tính mạng bệnh nhân làm đầu, ông Tuấn đã "chấp nhận làm sai quy trình".
Đọc một thư tay cám ơn của bệnh nhân ở Hải Dương viết trên chính ở mặt sau của phiếu khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội, luật sư Ứng nói bệnh nhân 72 tuổi này bệnh nhân này là người đầu tiên bị biến chứng vỡ tim được cứu sống bởi ông Tuấn.
"Bác sĩ Tuấn khi đó nhận thức hoàn cảnh bệnh nhân nguy kịch, quyết định làm trái quy trình khi huy động trang thiết bị từ phòng mổ sang buồng bệnh để phẫu thuật, cấp cứu bệnh nhân ngay trên giường cấp cứu", luật sư bào chữa.
Ông Tuấn bị VKS cáo buộc "chủ mưu" trong sai phạm đấu thầu gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng cho Bệnh viện Tim Hà Nội. Do có quan hệ từ trước với hai doanh nghiệp kinh doanh vật tư y tế, Công ty Hoàng Nga và Kim Hoà Phát, đã tạo điều kiện để ký gửi vật tư cho bệnh viện sử dụng trước.
Để hợp thức hoá việc sau đó chỉ đạo cấp dưới dùng các hình thức gian lận đấu thầu để hợp thức hóa, thanh toán theo hình thức trúng thầu. Giá của các vật tư được hai doanh nghiệp ấn định, chênh nhiều lần so giá thị trường.
Giá các vật tư cung cấp cho bệnh viện bị tăng 2-20 triệu đồng, trong đó cao nhất là stent do Hoàng Nga cung cấp, bị đội từ 17 lên 37 triệu đồng mỗi chiếc. Tổng thiệt hại hơn 53,6 tỷ đồng, là số tiền chênh lệch hai công ty được hưởng.
Trong phần xét hỏi, ông phân trần lý do đấu thầu sai do "không còn cách nào khác". Bệnh viện Tim Hà Nội khi đó rất thiếu thốn vật tư, bệnh nhân đông, nếu đấu thầu theo phương thức truyền thống đến cuối năm vẫn chưa xong, bệnh viện "có nguy cơ phải đóng cửa".
Vào các dịp Tết âm lịch năm 2016, 2017, ông Tuấn được công ty Hoàng Nga biếu tổng 10.000 USD để cảm ơn đã tạo điều kiện trúng thầu. Số tiền đã được ông Tuấn trả lại cùng 6 tỷ đồng tự nguyện khắc phục hậu quả vụ án.