NSƯT Diệu Hiền tên thật là Lâm Thị Hiền, bà sinh năm 1945 tại Bạc Liêu. Sớm mồ côi cha, bà sống cùng mẹ và cha dượng. Vì đam mê cải lương, Diệu Hiền tìm mọi cách để tầm sư học đạo. Một trong những người thầy của bà là danh ca lừng lẫy Út Trà Ôn.
Khởi đầu, Diệu Hiền đóng đào thương rất thành công, nhưng lại nổi danh với những vai đào võ. Bà ghi dấu ấn với khán giả qua vai nữ tướng Triệu Thị Trinh trong vở “Nhụy Kiều tướng quân” và vai Bùi Thị Xuân trong vở “Nữ tướng Cờ đào”.
Nghệ sĩ cải lương Diệu Hiền thuyết phục khán giả bởi điệu bộ, thần thái oai dũng, thế võ dứt khoát, đẹp mắt cùng lối ca diễn làm toát lên khí chất của nữ anh hùng. Bà được đồng nghiệp và khán giả yêu mến gọi là “Đệ nhất đào võ” của cải lương Việt Nam.
Sau năm 1975, đời sống nghệ sĩ cũng như sân khấu cải lương dần khó khăn, các nghệ sĩ thường theo gánh hát đi diễn tỉnh để mưu sinh. Lúc ấy, NSƯT Diệu Hiền đang ở đoàn cải lương Hương Tràm, chủ yếu đi diễn ở khu vực xa như Bạc Liêu, Cà Mau.
Thời điểm đó, kinh tế chưa phát triển, đường bộ chưa có nhiều, địa hình miền Tây nhiều kênh rạch nên các đoàn chủ yếu di chuyển bằng tàu, ghe. Một hôm, NSƯT Diệu Hiền cùng đoàn Hương Tràm đi biểu diễn ở Cái Nước (Cà Mau), theo lẽ nghệ sĩ sẽ lên bờ ngủ nhờ nhà dân hoặc ở trụ sở của Nhà nước nhưng bà sợ đom đóm hay xuất hiện trên bờ vào ban đêm nên quyết định ngủ lại dưới tàu.
Xuống tàu, Diệu Hiền ngủ ở khoảng chính, còn người lái tàu ngủ sau lái. Sau này khi kể lại sự việc, NSƯT Diệu Hiền cho biết khi đang ngủ bà mơ thấy một giọng nói văng vẳng bên tai: “Con hãy thức dậy, coi chừng chết chìm”. Bà choàng tỉnh, thấy nước đang tràn dần vào ghe. Thấy vậy, bà hốt hoảng kêu cứu thì có vài ba nghệ sĩ ngủ tại nhà dân gần đó chạy đến ứng cứu.
Lái tàu và các nghệ sĩ đổ dầu vào máy bơm để bơm nước ra khỏi tàu, nhưng vì quá vội vã nên họ để dầu chảy ra ngoài. Lúc đó, lái tàu vô tình chụp vào cây đèn dầu. Vì nóng quá, ông quăng đèn ra ngoài, gần ngay chỗ của Diệu Hiền đang đứng. Lửa từ cây đèn nhanh chóng bén ra ngoài, cộng với dầu bị tràn ra sàn, ngọn lửa bùng lên dữ dội.
Mọi người trên tàu hốt hoảng nhảy xuống sông và bơi vào bờ, trong khi đó, Diệu Hiền vẫn còn kẹt lại trong đám cháy. Người dân trên bờ không biết còn có người kẹt lại trên tàu, sợ đám cháy bắt lên nhà trên bờ nên chặt dây đẩy tàu ra sông, mang theo NSƯT Diệu Hiền.
Bà hồi tưởng lại đêm định mệnh ấy: "Lúc đó tôi mới chia tay Út Hậu nên trong lòng còn đau buồn lắm. Rồi đám cháy bất thần ập đến bao vây khiến tôi nghĩ mình không thể thoát được. Tôi nói, thôi vĩnh biệt Út Hậu, từ đây ta không còn oán trách gì nhau nữa".
Mãi một lúc sau, các nghệ sĩ không thấy NSƯT Diệu Hiền đâu mới sực nhớ ra bà còn kẹt lại trên tàu và thảng thốt kêu lên. Bà kể lại trong lúc đó bà nghe thấy ai gọi: “Chị Hiền ơi, chị đi thì mẹ già và con gái chị ai lo, chị Hiền ơi…”. Nghe đến mẹ và con gái, bà choàng tỉnh, bản năng sinh tồn trỗi dậy, bà lao ra mũi tàu, dùng hết sức bình sinh đạp bung cánh cửa.
Cửa bật ra, bà vội lao xuống nước thì thùng xăng bên trong nổ một tiếng rầm trời. Bà lặn một hơi dài, đến lúc ngoi lên vẫn thấy lửa cháy rực trên mặt sông. Bà vật lộn với dòng nước, nén cơn đau để bơi vào bờ. Tới nơi, kiệt sức, bà ngã quỵ. Trong lúc nửa tỉnh, nửa mê bà còn loáng thoáng nghe được câu: "Trời ơi, da thịt chị Diệu Hiền dính vào người tôi nè bà con ơi..."!
Tai nạn đó khiến tay trái của NSƯT Diệu Hiền bị bỏng nặng. Cũng kể từ đó, bà ít tham gia các đoàn hát, sống lặng lẽ cùng gia đình.