Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Admin
Ngày 5/1, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã đề nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng bắt đầu từ ngày 1/7 thay vì hoãn cả năm 2021.

Theo đó, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: "Đầu quý II/2021, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp, xem xét điều kiện kinh tế xã hội để quyết định về mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2022".

Tuy nhiên, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị điều chỉnh nâng lương tối thiểu vùng sớm hơn, dự kiến từ ngày 1/7 năm nay. Ngoài ra, mức tăng lương sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế xã hội của đất nước nói chung, "sức khỏe" của doanh nghiệp nói riêng.

Trước đó trong phiên họp hồi tháng 8/2020, Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra phương án chưa tăng lương tối thiểu vùng đến hết năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và giữ nguyên mức cũ với bốn vùng. Vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng sẽ đề xuất Chính phủ điều chỉnh thời gian tăng lương tối thiểu vùng sang ngày 1/7 hàng năm thay vì 1/1 như hiện hành.

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

"Đầu năm dương lịch là lúc áp lực rất lớn cho doanh nghiệp, nên thay đổi để giảm tải cho giới chủ trong vấn đề tài chính", ông Quảng cho hay. Việc thay đổi thời điểm tăng lương sẽ làm giảm thiểu áp lực và gánh nặng cho doanh nghiệp khi phải tri trả nhiều khoản cuối năm.

Hơn nữa, ngày 1/7 cũng trùng với lịch tăng lương cơ sở hàng năm. Vì thế, điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng lẫn lương cơ sở cùng lúc sẽ góp phần giảm thiểu biến động giá cả thị trường.

"Tất nhiên, việc điều chỉnh có thể gây ra một số khó khăn về kế hoạch lao động, tiền lương cho doanh nghiệp, song cần tìm cách khắc phục", ông Quảng nói thêm.

Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu đề xuất nêu trên; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan đánh giá tình hình kinh tế - xã hội để báo cáo Chính phủ các vấn đề liên quan trước quý II năm 2021.

Có thể thấy, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã bị sụt giảm trầm trọng. Tính trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt nam chỉ đạt 2,91% - thấp nhất trong một thập kỷ qua. Cơn ác mộng mang tên COVID-19 không chỉ tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,8 triệu người, mà còn khiến nhiều công dân lao động mất việc, nghỉ luân phiên và giảm thu nhập. Dự kiến đến năm 2021 sẽ là một năm bùng nổ của ngành Du lịch nói riêng và  nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đây sẽ là cơ hội vàng để các doanh nghiệp trong và ngoài nước bứt phá mạnh mẽ trên con đường phát triển sắp tới.