![]() |
Ảnh: Reuters. |
Trong 12 năm tại vị, Giáo hoàng Francis đã để lại nhiều dấu ấn, từ các vấn đề tôn giáo, Xã hội tới chính trị. Dưới đây là 9 cuốn sách tiêu biểu thể hiện tư tưởng, trái tim và tầm nhìn của ông.
![]() |
Hồi ký Hy vọng ra mắt năm 2025 của Giáo hoàng Francis. Ảnh: Nhân dân books. |
Tự truyện Hy vọng (2025)
Trong quyển sách này, ông đã kể lại chi tiết hành trình trưởng thành của bản thân mà ngay cả những người viết tiểu sử cũng chưa từng được biết đến. Với văn phong mộc mạc, gần gũi, cuốn sách khắc họa chân dung tuổi thơ của Giáo hoàng cũng như bao đứa trẻ khác “trước khi cảm nhận được tiếng gọi thiêng liêng vào cuối tuổi thiếu niên”: yêu Bóng đá, đam mê điện ảnh…
Lớn lên trong một gia đình người Italy nhập cư tại Argentina, Giáo hoàng dùng chính những trải nghiệm của mình để suy ngẫm sâu sắc về những vấn đề lớn lao của thế giới hiện nay: di cư, chiến tranh, biến đổi khí hậu và bất công xã hội. Hy vọng không chỉ là một cuốn tự truyện mà còn là một lời nhắn nhủ: hãy dùng lòng nhân ái để biến đổi thế giới.
Hãy cùng mơ ước: Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại (2020)
![]() |
Hãy cùng mơ ước là lời tâm tình sâu sắc của Giáo hoàng Francis giữa những ngày cả thế giới chao đảo bởi đại dịch Covid-19. Trong cuốn sách, ông chia sẻ những suy tư về khủng hoảng, bất công và những lựa chọn đạo đức mà nhân loại đang đối mặt, đồng thời đưa ra những gợi mở chân thành cho hành trình “chữa lành thế giới” - bắt đầu từ sự thay đổi bên trong mỗi con người.
Chính lòng trắc ẩn, sự dấn thân và những hành động tử tế nhỏ bé trong đời sống hàng ngày là nền tảng để xây dựng một thế giới công bằng và nhân ái hơn.
A Future of Faith: The Path of Change in Politics and Society (2018)
![]() |
A Future of Faith: The Path of Change in Politics and Society (Tạm dịch: Một tương lai của đức tin: Con đường thay đổi chính trị và xã hội) là cuộc trò chuyện sâu sắc giữa Giáo hoàng Francis và nhà xã hội học Dominique Wolton xoay quanh những chủ đề "nóng" của thế giới hiện đại: vai trò của Giáo hội trong chính trị, tự do ngôn luận, di dân, toàn cầu hóa, xung đột tôn giáo và vị trí của phụ nữ trong xã hội.
Tất cả được trình bày qua đối thoại cởi mở, đầy nhân bản, không rao giảng, không né tránh. Cuốn sách không chỉ mở ra một cái nhìn hiếm hoi về tư duy chính trị - xã hội của Giáo hoàng mà còn khiến người đọc phải suy ngẫm về thế giới và cách ta sống trong đó.
God Is Young: A Conversation with Thomas Leoncini (2018)
![]() |
God Is Young: A Conversation with Thomas Leoncini (Tạm dịch: Thiên Chúa luôn trẻ: Một cuộc đối thoại với Thomas Leoncini) là cuộc đối thoại chân thành giữa Giáo hoàng Francis và nhà văn trẻ Thomas Leoncini, tập trung vào thế hệ trẻ trong thời đại đầy biến động hiện nay - nơi cơ hội và khủng hoảng song hành.
Điều khiến cuốn sách trở nên đặc biệt là cách Giáo hoàng Francis nhìn người trẻ không phải như “những người sẽ lớn” hay “chưa đủ trưởng thành” mà như những người mang trong mình khả năng đổi mới thế giới. Với giọng văn gần gũi và truyền cảm hứng, ông gửi đến người trẻ một thông điệp mạnh mẽ: hãy dám ước mơ, dám sống thật, dám thất bại và dám bắt đầu lại - bởi tuổi trẻ chính là niềm hy vọng của tương lai.
Happiness in This Life: A Passionate Meditation on Earthly Existence (2017)
![]() |
Happiness in This Life: A Passionate Meditation on Earthly Existence (Tạm dịch: Hạnh phúc trong cuộc sống này: Suy tư về kiếp nhân sinh) là tuyển tập những bài giảng, thư từ và suy niệm của Giáo hoàng Francis về hạnh phúc - không phải hạnh phúc xa vời nơi thiên đường mà là hạnh phúc trong đời sống thường nhật, giữa những lo toan, mất mát và cả những niềm vui nhỏ bé thường bị lãng quên.
Cuốn sách được viết ngắn gọn để có thể đọc bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Đọc Happiness in This Life, ta không được dạy phải sống thế nào mà được mời gọi lắng nghe chính cuộc sống của mình: như thế nào là sống tốt, sống tử tế, sống với lòng biết ơn và tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc.
The Name of God is Mercy (2016)
![]() |
The Name of God is Mercy (Tạm dịch: Thiên Chúa là lòng thương xót) là cuộc phỏng vấn giữa Giáo hoàng Francis và nhà báo người Italy Andrea Tornielli, xoay quanh một chủ đề cốt lõi trong sứ điệp của ông là lòng thương xót.
Trong cuốn sách, Giáo hoàng kể lại những trải nghiệm cá nhân, từ thời thơ ấu ở Buenos Aires đến những ngày mục vụ trong giáo xứ để làm bật lên thông điệp: lòng thương xót không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối mà là sức mạnh lớn nhất để chữa lành thế giới cả về thể xác lẫn tinh thần
Dear Pope Francis: The Pope Answers Letters from Children Around the World (2016)
![]() |
Dear Pope Francis: The Pope Answers Letters from Children Around the World (Tạm dịch: Kính gửi Giáo hoàng Francis: Giáo hoàng trả lời thư của trẻ em khắp thế giới) là một cuốn sách đặc biệt, chứa đựng những lá thư chân thành từ trẻ em trên khắp thế giới gửi đến Giáo hoàng Francis, kèm theo những câu trả lời đầy ấm áp và sâu sắc từ chính ông.
Mỗi câu trả lời của Giáo hoàng đơn giản nhưng thấm đẫm những bài học nhân sinh sâu sắc, giúp trẻ em hiểu rằng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, mỗi người đều có giá trị và được yêu thương. Cuốn sách còn mang đến một thông điệp rằng thế giới có thể trở nên tốt đẹp hơn nếu mỗi người, dù là trẻ em hay người lớn, đều sống với lòng bao dung, chia sẻ và yêu thương nhau.
Only Love Can Save Us: Letters, Homilies, and Talks from Pope Francis (2013)
![]() |
Only Love Can Save Us (Tạm dịch: Chỉ có tình yêu mới cứu được chúng ta: Những bức thư, bài giảng, cuộc nói chuyện từ Giáo hoàng Francis) là tuyển tập các bức thư, bài giảng và phát biểu của Giáo hoàng Francis trong những năm đầu tiên trên cương vị lãnh đạo tối cao của Vatican.
Thay vì trình bày những giáo điều, ông kể lại những câu chuyện đời thường như ánh mắt lạnh lùng của người đi đường trước một người vô gia cư hay sự im lặng khi đứng trước nỗi đau của người khác để khơi dậy trong mỗi người đọc một câu hỏi: “Chúng ta đang sống với nhau như thế nào?”.
Bên cạnh những suy tư về thực trạng xã hội, cuốn sách cũng là lời kêu gọi mạnh mẽ về hành động, không phải hành động vĩ đại, mà là những cử chỉ nhỏ bé mỗi ngày như biết lắng nghe, biết quan tâm, dám lên tiếng trước bất công để giúp thế giới ngày một tốt đẹp hơn.
On Heaven and Earth (2013)
![]() |
On Heaven and Earth (Tạm dịch: Nói về thiên đàng và trần thế) là cuộc đối thoại sâu sắc giữa Giáo hoàng Francis và học giả người Do Thái Abraham Skorka. Trong hơn 20 chương, hai nhân vật trao đổi thẳng thắn về những đề tài gai góc của thế giới hiện đại như ly hôn, chính trị, khủng bố, toàn cầu hóa, và đạo đức sinh học.
Điều khiến cuốn sách đặc biệt không nằm ở lập luận hàn lâm hay ngôn ngữ đao to búa lớn, mà ở tinh thần cởi mở và cách hai con người thuộc hai tôn giáo khác nhau cùng đi tìm tiếng nói chung trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau và sự thật.