Tối 27-9, trao đổi với PLO, ông Đỗ Tiến Đông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai xác nhận ông vừa ký công văn về việc cho học sinh nghỉ học để phòng tránh bão số bốn.
Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai đồng ý cho học sinh, sinh viên nghỉ học kể từ 12 giờ ngày 27-9 đến hết ngày 28-9.
UBND tỉnh còn yêu cầu cầu Sở GD&ĐT và UBND các huyện, thị xã, TP tổ chức triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên các trường học trước, trong và sau bão.
Ngay sau khi bão lũ tan, khẩn trương vệ sinh trường, lớp học, nhanh chóng ổn định tình hình dạy học, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh khi đến trường trở lại. Đồng thời có kế hoạch phòng-chống các dịch bệnh, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra; báo cáo tình hình thiệt hại do mưa bão về Sở GD&ĐT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 27-9 đến 29-9, do ảnh hưởng bão số bốn, thời tiết khu vực tỉnh Gia Lai có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Tổng lượng mưa trong cả đợt tại các huyện: Kbang, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, thị xã An Khê và TP Pleiku phổ biến từ 150 mm đến 250 mm. Có nơi lớn hơn 300 mm; các huyện, thị xã còn lại ở mức 100-200 mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ và sạt lở đất, sụt lún đất tại các xã, phường Phù Đổng (TP Pleiku); xã Đak Rong (huyện Kbang); xã Ia Rsươm, xã Ia Mlah, Ia Rsai, xã Chư Rcăm, xã Uar (huyện Krông Pa); xã Đak Pling (huyện Kông Chro); xã Ia Ake (huyện Phú Thiện).
Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai như huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và thị xã An Khê đã chủ động triển khai các biện pháp, tuyên truyền hướng dẫn người dân thu hoạch hoa màu, chằng chống nhà cửa, rà soát điểm xung yếu sẵn sàng ứng phó với bão lũ.
Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cũng đồng ý cho học sinh được nghỉ học từ ngày 27-9 cho đến khi có thông báo mới để ứng phó bão số bốn và nguy cơ mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho học sinh và phụ huynh.