Khánh Thi làm viện trưởng: Vì sao trường kinh tế lại mở Viện Văn hóa Nghệ thuật?

Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM thành lập Viện Văn hoá Nghệ thuật và mời Kiện tướng dancesport Khánh Thi làm viện trưởng khiến dư luận đặt câu hỏi: Tại sao một trường chuyên đào tạo kinh tế tài chính lại mở Viện Văn hoá nghệ thuật?

Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM vừa ra mắt Viện Văn hóa Nghệ thuật. Kiện tướng dancesport Khánh Thi được bổ nhiệm giữ vai trò viện trưởng.

Thông tin ban đầu, nhà trường thành lập Viện Văn hóa Nghệ thuật nhằm góp phần đưa các hoạt động bồi dưỡng, phát triển năng khiếu, đam mê nghệ thuật trong sinh viên đi vào đào tạo chuyên nghiệp. Các thành tích đạt được trong tương lai liên quan đến thể thao, nghệ thuật cũng sẽ góp phần rất lớn vào việc định vị và thực hiện mục tiêu quốc tế hóa của nhà trường.

Tuy nhiên, việc này cũng khiến dư luận thắc mắc tại sao một trường chuyên đào tạo kinh tế tài chính nhưng lại mở Viện Văn hoá Nghệ thuật?

Trao đổi với VietNamNet, bà Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin truyền thông, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, lý giải Viện Văn hóa Nghệ thuật là đơn vị phụ trách các hoạt động cho sinh viên.

Viện được thành lập nhằm thực hiện các hoạt động liên quan đến văn hóa, nghệ thuật thể thao dành cho sinh viên tham gia và trải nghiệm. Đồng thời, viện cũng sẽ góp phần đưa các hoạt động bồi dưỡng, phát triển năng khiếu, đam mê nghệ thuật trong sinh viên đi vào hướng hoạt động, đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

“Viện Văn hoá Nghệ thuật thành lập hướng đến phát triển các hoạt động nhằm mục tiêu đào tạo toàn diện cho sinh viên, bên cạnh kiến thức chuyên môn, làm sao đảm bảo ra trường sinh viên có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn, phát triển bản thân tốt nhất thông qua các hoạt động mà viện tổ chức, triển khai.

Về công tác nghiên cứu chuyên môn như tài chính, kinh tế nhà trường có các đơn vị chức năng đảm nhận và phát triển bao gồm các khoa, Viện Đào tạo sau đại học và khoa học công nghệ.

Các đơn vị này phụ trách đào tạo chuyên môn, nghiên cứu bao gồm cả nghiên cứu khoa học trong sinh viên về lĩnh vực tài chính, kinh tế và các kiến thức liên quan đến các ngành đào tạo của nhà trường”- bà Bích nói.

Theo bà Bích, mục đích của Viện Văn hóa Nghệ thuật là tạo môi trường, sân chơi văn hóa, nghệ thuật, thể thao bổ ích, hứng thú cho sinh viên trải nghiệm sau những giờ học tập chuyên môn để phát huy đam mê, năng khiếu, sở trường mà các bạn sinh viên mong muốn thể hiện.

Qua các hoạt động từ viện, sinh viên sẽ có tinh thần học tập tốt hơn. Mặt khác, nhà trường cũng xác định, môi trường đại học không chỉ dạy kiến thức chuyên môn học thuật, kỹ năng và rèn luyện thái độ mà còn mang đến cho sinh viên những trải nghiệm có giá trị tinh thần khác nhau.

Từ định hướng này, việc thành lập Viện Văn hóa Nghệ thuật với mục đích triển khai nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác nhau cho sinh viên là phù hợp.

Ông Đỗ Quốc Anh trao quyết định bổ nhiệm kiện tướng dancesport Khánh Thi giữ vai trò Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật

Đối với câu hỏi, việc một trường đào tạo chuyên kinh tế tài chính thành lập Viện Văn hoá nghệ thuật liên quan thế nào đến các ngành nghề trường đang đào tạo?

Bà Bích cho biết Viện Văn hóa Nghệ thuật sẽ tư vấn, phối hợp xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về văn hóa, nghệ thuật như: múa, hát, khiêu vũ, khiêu vũ thể thao, diễn xuất, dẫn chương trình…

Giới thiệu các giáo viên, chuyên gia trong nước và nước ngoài đến tham gia giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng dành cho sinh viên nhà trường.

Viện sẽ phải thực hiện nghiên cứu

Chia sẻ thêm với VietNamNet, ông Đỗ Quốc Anh, Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, cho hay trường là có tên là “kinh tế tài chính” nhưng không chỉ chuyên về “kinh tế tài chính” mà đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

Hiện trường có hơn 30 ngành, trong đó các ngành kinh tế tài chính là chủ đạo nhưng cũng có những ngành khác như Du lịch khách sạn nhà hàng, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ, Quan hệ công chúng và truyền thông…

Mặt khác, quan niệm mới về giáo dục đại học hiện nay, trường đại học ngoài dạy kiến thức, kỹ năng và rèn luyện thái độ cho sinh viên còn phải mang đến cho sinh viên những trải nghiệm sống, phát huy tất cả năng lực của mình, trong đó có năng khiếu về học thuật, văn hoá, thể dục, thể thao…

Sự phát triển về năng lực này sẽ bao hàm hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất, bản thân sinh viên được trải nghiệm sống sẽ tập trung vào học tập tri thức, rèn luyện thái độ, tiếp thu kỹ năng tốt hơn. Ý nghĩa thứ hai, có thể trong quá trình sinh viên tham gia các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, được phát triển năng khiếu đến một mức nào đó và có thể trở thành chuyên nghiệp.

Thực tế, hiện nay có nhiều người hoạt động trong lĩnh vực giải trí, ca nhạc không phải học chính chuyên ngành văn hoá nghệ thuật từ các trường đào tạo văn hoá nghệ thuật mà học ở các trường bình thường.

Nhưng họ được phát huy được khả năng của mình và sau này đi theo con đường văn hoá nghệ thuật…Ngoài ra, nhà trường đang phấn đấu theo mô hình chuẩn quốc tế nên luôn tạo ra nhiều sân chơi cho sinh viên dưới dạng các câu lạc bộ.

Trong này có các câu lạc bộ về học thuật, thể dục thể thao, văn hoá nghệ thuật như nhảy, hát, nhạc cụ. Điều này giúp sinh viên phát triển toàn diện và thỏa mãn đam mê, khi sinh viên thích tham gia sẽ không phải đi xa mà có thể tìm kiếm ngay trong trường, nên trường thành lập thêm Viện Văn hoá nghệ thuật.

“Viện Văn hóa Nghệ thuật sẽ là hạt nhân để hỗ trợ một cách chuyên nghiệp cho các câu lạc bộ về văn hoá, nghệ thuật”- ông Quốc Anh nói. Cũng theo ông Quốc Anh, hiện tại các trường đại học được tự chủ về hoạt động thể dục, thể thao, văn hoá văn nghệ.

Do vậy trường đã có phòng gym, bi-a, bóng bàn… để sinh viên lựa chọn, giờ trường thêm môn dancesport và sinh viên có thể đăng ký học môn này. Viện Văn hoá nghệ thuật sẽ hỗ trợ cho các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao chính khoá của trường.

Trước câu hỏi Viện Văn hóa Nghệ thuật của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM có thực hiện chức năng nghiên cứu không? Ông Đỗ Quốc Anh cho hay, hiện nhà trường chưa đặt nặng vấn đề này nhưng chắc chắn một viện của trường đại học sẽ phải có chức năng nghiên cứu.

Chương trình ban đầu của viện đang là đào tạo, nhưng mảng nghiên cứu cũng sẽ được đặt ra bởi những người được bổ nhiệm đã có nhiều năm trong nghề, đã có đóng góp cho huấn luyện nên chắc chắn đang có đề tài nghiên cứu. Do vậy, bước thứ hai, nhà trường sẽ đặt ra một số vấn đề nghiên cứu vì phong trào nghiên cứu khoa học trong trường có sự tham gia của giảng viên và sinh viên.

Viện Văn hoá Nghệ thuật là một bộ phận của trường và sẽ phải có những đề tài nghiên cứu. Những đề tài này nghiên cứu làm sao để phát huy năng khiếu về văn hoá, văn nghệ sinh viên, từ đó hỗ trợ việc học tập của sinh viên, giúp các em phát huy được năng lực về văn hoá, văn nghệ trong cuộc sống đại học, đồng thời phát hiện các nhân tố có năng khiếu.