Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Dung - Bí thư chi bộ Trạm bảo vệ rừng Thành Vân, từ năm 2001, sau khi thông báo “làm việc thánh”, bà Nguyễn Thị Thành đã gọi người đến nhà và bán sạch cả đàn trâu bò.
“Tổng cộng 15 con được hơn 13 triệu đồng, đây là số tiền khá lớn vào thời điểm đó”, bà Dung nói.
Bà Thành sau đó đã đi khắp xã gom mua hàng vạn chiếc bát, hàng nghìn chiếc lưỡi cày, nhiều tạ thép, dây xích. “Trong vùng, có bao nhiêu bát và lưỡi cày, chị Thành mua sạch. Ước tính phải mấy chuyến ô tô ấy”, bà Dung kể.
Bà Dung cho hay, bát được bà Thành đem chôn hết xuống vườn, còn lưỡi cày một phần thì chôn, một phần bà Thành buộc vào thân cây rồi dựng đứng như cột cờ trước nhà. Quanh nhà cũng chăng đầy dây thép, dây xích. Bà Thành cũng cho dựng lên 8 túp lều bé xíu và dùng các dây thép nối các túp lều với nhau rất khó hiểu…
Thấy việc làm kỳ lạ này bà Dung đã tìm mọi cách khuyên can nhưng chẳng được. Bà Thành mua nhiều đến nỗi, đại lý bán sắt thép ở thị trấn cũng hết, bà phải đi nơi khác để mua về. Mua xong, vợ chồng bà Thành cùng các con giăng mắc chằng chịt trong vườn.
Hệ thống thép giăng khắp khu vườn của gia đình bà Thành, cùng với đó lưỡi cày cắm thành hàng dọc thân cây. (Ảnh chụp năm 2017).
Là người từng tiếp cận bên trong ngôi nhà bà Thành, bà Mai Thị Tình (em gái của ông Mai Hồng Thái) miêu tả: “Bên trong nhà hương khói không thắp và cũng không thờ phụng ai. Hồi đầu ngôi nhà làm bằng gỗ chắc chắn. Sau đó, chị Thành lệnh cho chồng con phá ngôi nhà kiên cố đó ra rồi tự dựng mấy căn lều nhỏ để ở. Lều nào cũng chôn hàng đống bát đĩa ở dưới”.
Không chỉ chôn bát, bà Tình cho hay, bà Thành còn sai chồng con đi mua hoa quả về rải hết khắp bốn xung quanh vườn. Chậu thau, xoong nồi quăng hết xuống giếng.
“Sau đó bà còn bắt mua cả những tấm kính về đập nát, gói thành những đùm nhỏ rồi treo lên mấy cái lều. Chồng và con cứ phải làm việc quần quật từ sáng đến khuya. Đúng 12 giờ chị ấy mới cho chồng và con nghỉ”, bà Thành chia sẻ.
Bà Tình cũng kể rằng, lúc mới bị bệnh, chị dâu của bà bắt con cái thôi học. Đàn bò, tranh thủ lúc ông Thái về lấy lương ở Nga Sơn, bà Thành bán lúc nào không ai biết. Sau khi bán bò, ba đứa con được cắt tóc trọc đầu như ông sư, bò xung quanh nhà chôn bát cho mẹ đến thâm tím đầu gối.
“Những cột lưỡi cày, bát sứ, sắt thép được gia đình chị ấy coi như kho báu, không ai có quyền được động vào hoặc di chuyển đi chỗ khác”, bà Tình cho hay.
Chỉ vào 4 góc vườn, anh Lê Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vân Du - bảo nơi đây từng là bãi tập kết hàng chục tấn thép, tôn, bát sứ…
Anh kể, sau khi bà Thành mất được một thời gian ngắn, anh nhận được tin từ trưởng khu phố thông báo ông Thái và 2 con muốn về huyện Nga Sơn sinh sống, đề nghị chính quyền giúp đỡ vận chuyển tất cả đồ đạc về cùng.
“Tôi nhớ không nhầm thì vào ngày 10 tháng Giêng năm ngoái (10/2/2022), vừa mới ăn Tết xong. Lúc đó, bố con ông Thái rất vui vẻ, luôn miệng nói trăm sự nhờ mọi người để nhà tôi được về quê. Lãnh đạo thị trấn Vân Du đã huy động khoảng 15 người đến giúp ông Thái dỡ bỏ nhà, cây cối, khai quật sắt thép”, anh Dũng nói.
Hơn chục nhân công cùng một chiếc máy xúc làm việc cật lực 2 ngày mới dọn dẹp xong khu đất. Những chiếc lưỡi cày sắc lẹm treo từ ngọn cây xuống đất được tháo dỡ, hàng trăm chiếc bát sứ được đào lên từ lòng đất, nhiều cuộn thép gần như mới tinh… chất thành đống, phải thuê 2 chiếc xe tải mới chở hết.
“Phải đến 15 - 20 tấn ấy Toàn nhỉ? Giờ bán hay để đâu rồi? Có mang lại lên trên này không đấy?”, anh Dũng hỏi.
Lắng nghe câu chuyện giữa tôi và vị Phó Chủ tịch UBND Thị trấn, anh Toàn đáp: “Chở về mọi người ở quê cũng không đồng ý lắm. Đất Thạch Thành là đất linh thiêng, chúng tôi muốn dứt ra đi nhưng mà không được. Người ta cũng không hài lòng cho lắm. Đất trời không hài lòng. Đền Bùi không hài lòng. Mình mà bán đi thì áy náy trong lòng…”.
Trong gian bếp của chị em Thanh, Toàn vẫn có cuộn thép nặng hàng trăm cân.
Đi một vòng quanh khu vườn, thấy trong nhà bếp có cuộn sắt lớn, nặng khoảng 100 kg, anh Dũng hỏi: “Sao lại có sắt ở đây, mới mua hay mày lại mang từ Nga Sơn lên đây?”. Toàn cười, bảo: “Phải có sắt chứ, không có sống sao được...”.
Có điều kỳ lạ là trong suốt quá trình trò chuyện, anh Dũng và tôi nhiều lần đề cập đến việc muốn vào căn nhà được dựng bằng tôn kín mít, lối ra vào duy nhất đã bị khóa, nhưng chị em Thanh, Toàn thẳng thừng từ chối: “Trong đó không có gì đâu, chỉ có mấy cái chăn. Anh muốn trộm đồ gì nhà em à anh Dũng?”.
Có lẽ họ đang cố giấu chúng tôi điều gì đó. Anh Dũng cho biết, những tấm tôn dựng lên căn nhà này được ông Thái khi còn sống đi xe đạp xuống huyện Bỉm Sơn (cách nhà 30 km) mua và thuê xe chở về đây.
Chia tay chị em Thanh và Toàn, chúng tôi đến nhà bà Lê Thị Dung, nằm cách đó không xa. Nghe chúng tôi kể lại cuộc trò chuyện với chị Thanh, anh Toàn, bà Dung cảm thán:
“Chị em nó bướng lắm. Sau khi bố mẹ mất, chính quyền địa phương, hàng xóm láng giềng, họ hàng dưới Nga Sơn khuyên nhủ hết lời nhưng chúng vẫn quyết bám trụ cái đất này, sống cuộc sống không giống ai. Cũng có thay đổi đấy, nhưng chả biết đến bao giờ mới hoàn toàn hòa nhập cộng đồng”.
Bà Dung cho hay, hồi ông Thái và 2 con quyết định về quê ở Nga Sơn, hàng xóm rất vui mừng. Mọi người cho rằng, bà Thành có sức mạnh kỳ bí nào đó nên mới có thể kiểm soát được cả gia đình làm theo ý mình, khi bà ấy chết đi thì chồng con trở lại bình thường và mong muốn về quê để gần họ hàng anh em.
“Chúng tôi chung tay nhau dỡ bỏ nhà cửa, dọn dẹp đồ đạc cho bố con anh ấy, ai cũng động viên bố con về quê xây dựng cuộc sống ổn định. Nhưng nào ngờ về được vài tháng thì bố con lại đưa nhau lên lại, được hơn tuần thì anh Thái chết”, bà Dung kể.
Sau khi ông Thái chết, bà Dung động viên 2 chị em cố gắng hòa nhập, bà sẽ mua quần áo mới và xin vào công ty làm việc nhưng Thanh và Toàn nhất quyết không đồng ý.
“Trước đây bố mẹ còn sống lương cũng được 6 - 7 triệu đồng duy trì cuộc sống, giờ không biết lấy gì mà ăn. Nhưng điều tôi lo lắng hơn cả là 2 đứa khác giới, nhận thức kém...”, bà Dung nói.
Nhắc đến sự ra đi của bà Thành và ông Thái, bà Dung không giấu nổi sự thương cảm cho số phận của gia đình người chị em thân thiết, cùng công tác hàng chục năm tại lâm trường Thạch Thành.
Bà Dung bảo chính vì cuộc sống lập dị nên khi họ chết đi, mọi người đến đa phần vì tính tò mò: “Có lẽ niềm an ủi lớn nhất của anh chị ấy là được nằm cạnh nhau ở quê cha, đất tổ”.
“Đến thời điểm này tôi cũng không hiểu nổi mọi chuyện xảy ra với nhà chị Thành, anh Thái. Tại sao họ lại sống như vậy? Tại sao họ lại mua hàng chục tấn sắt tích trữ trong nhà, đến khi khai quật lên tôi nhẩm tính phải bán được 150 triệu đồng? Tại sao khi anh chị ấy chết rồi mà 2 đứa con vẫn sống như vậy?”. Bà Dung đặt ra hàng loạt câu hỏi mà cả bà, hàng xóm láng giềng và chính quyền đến giờ vẫn chưa tìm được câu trả lời.
Để tìm hiểu lý do tại sao 3 bố con ông Mai Văn Thái quyết định rời Thạch Thành về Nga Sơn nhưng sau đó vẫn quay lại sống tại đây, chúng tôi đã xin địa chỉ để tìm về nhà bà Mai Thị Tình - em gái ruột ông Thái.
Và chính nhờ cuộc gặp bà Tình tại xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, chúng tôi mới biết lý do vì sao chị em Thanh và Toàn không cho chúng tôi vào căn nhà được dựng kín bằng những tấm tôn xanh.
Đón đọc phần 4: Bí ẩn bên trong ngôi nhà tôn xanh của gia đình 'âm binh'
Người cô ruột nói về lý do 2 chị em Toàn, Thanh nhất định không chịu về quê sinh sống mà trở lại "vùng đất dữ", sống trong căn nhà tôn màu xanh kín mít đầy bí ẩn.
Theo VTC News