Sống tối giản cho đời thanh thản

Học cách sống tối giản, bạn sẽ có thời gian để yêu những thứ xung quanh mình hơn.

Trả toàn bộ nội thất được tặng

Sinh trưởng trong gia đình nhà giáo tạo nên tính cách lạc quan, giản dị trong Hân. Từ ngày còn sinh viên, căn phòng của cô đã gọn gàng, chuyện ăn uống vô cùng đơn giản, thường là cơm với rau củ luộc. Sau này đi làm ngân hàng, Hân thấy công việc lấy đi của mình quá nhiều thời gian, sức khoẻ.

"Lúc ấy mình như cánh chim lạc đàn vì không tìm thấy ai chung suy nghĩ. Mình bắt đầu muốn sống chậm lại, khoẻ mạnh hơn và bền vững hơn. Khi gặp anh Bắc năm 2016, mọi thứ vỡ oà vì anh đồng quan điểm có nhiều thứ thừa thãi trong cuộc sống, cũng như ủng hộ những định hướng của mình", Hân nói. 

 

Hân và Bắc gặp nhau “tâm đầu ý hợp” trong phong cách sống hàng ngày.

Hân và Bắc “tâm đầu ý hợp” trong phong cách sống hàng ngày 

 

Đôi uyên ương không đi cà phê, siêu thị, ăn hàng mà thường cùng nhau đi tập yoga, trồng rau, đọc sách. "Hân là con gái mà không thích hoa, cũng chẳng thích nữ trang hay mỹ phẩm, chỉ muốn được vui cười, khỏe mạnh và yêu thương nhau", Bắc cho hay. 

Sau đám cưới tháng 10/2017, Hân và Bắc đã dành ra 150 triệu để sửa lại ngôi nhà tại Kiên Giang, theo đúng sở thích. Còn lại, đôi vợ chồng trẻ quyết định tối giản tất cả những đồ đạc không cần thiết trong nhà, đặc biệt là gửi trả lại toàn bộ nội thất được tặng. 

Diện tích ngôi nhà hơn 100m2, trước đây có hai phòng ngủ, nhưng họ đã phá đi một phòng để phòng khách dài và thoáng hơn. Một năm sau ngày cưới, tổ ấm của họ đón thành viên mới. Cậu được mẹ bỏ bỉm từ khi 2 tháng tuổi. Và đồ chơi của cậu bé được chính tay Bắc tự làm bằng gỗ.

 

Cậu bé Lu, con trai của Hân và Bắc thích thú với không gia nhà và đồ chơi gỗ bố làm  

Cậu bé Lu, con trai của Hân và Bắc thích thú với không gia nhà và đồ chơi gỗ bố làm

 

Vì muốn con được yêu thương vào giai đoạn cần nhất nên Hân nghỉ việc để làm mẹ toàn thời gian. Mỗi ngày, bà mẹ trẻ tất bật với lịch trình cho bé kích thích trí não, luyện trí nhớ, tập yoga, ăn dặm tự chỉ huy. Bé cũng được đi dạo, đi bơi và massage mỗi ngày. Hân sẽ nói tiếng Việt, còn Bắc nói tiếng Anh với con.

Hân dùng một bếp từ đơn để nấu nướng, thường là nấu món kho hoặc xào, còn lại các loại củ, hạt sẽ hấp chung khi nấu cơm, để "tận hưởng vị nguyên lành của thức ăn". Trong nhà không dùng hóa chất, mà dùng các loại xà phòng làm từ bồ hòn để tắm rửa, giặt giũ. Họ cũng hạn chế tối đa dùng nilon.

Lối sống của họ ảnh hưởng cả đến những người bạn. Tô Thanh Xuân, một chủ shop quần áo ở thành phố Rạch Giá, cho biết cô chơi thân với Hân nhiều năm, nhưng trước đây hai người theo hai phong cách khác biệt: "Mình thích ăn hàng, ăn thịt và mua quần áo đến 40% thu nhập mỗi tháng. Hân ít khi nói mà dùng hành động ảnh hưởng đến mình dần dần. Giờ thì mình thích rau quả, nước ép như Hân, quần áo cũng chỉ hết 200-300 nghìn mỗi tháng và chỉ mua món mới khi bỏ đi món cũ", Thanh Xuân cho hay.

 

Làm thế nào để sống tối giản?

Sống tối giản bắt đầu được nói nhiều đến nhiều ở Nhật vào khoảng 2010-2011, đặc biệt sau thảm họa động đất sóng thần cướp đi nhiều sinh mạng, khiến người ta đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Không dừng ở đó, người Nhật tiến xa hơn đến lối sống tối giản (hay còn gọi là Danshari) với mục đích cuối cùng là giải phóng bản thân khỏi sự lệ thuộc vào đồ vật.

 

Lối sống tối giản bắt nguồn từ ba ký tự Kanji : Dan (từ chối), Sha (vứt bỏ) và Ri (tránh xa).

Lối sống tối giản bắt nguồn từ ba ký tự Kanji : Dan (từ chối), Sha (vứt bỏ) và Ri (tránh xa)

 

“Ít hơn tức là nhiều hơn”, giúp cuộc sống trở nên đơn giản, bớt phiền hà khi không phải mất nhiều thời gian cho việc chăm sóc nhà cửa, lau dọn đồ đạc, mua sắm.

Tác giả cuốn ''Niềm vui ít đồ: Hướng dẫn phong cách sống tối giản để giảm bừa bộn, giúp tổ chức, và đơn giản hoá cuộc sống'' Francine Jay - một người thực hành chủ nghĩa tối giản đã thu thập một số cách thực hiện Danshari trong hoạt động hàng ngày như sau:

Dan - Từ chối

Phần đầu tiên của cách sống tối giản được ví như công việc của một người gác cổng, canh gác cho đồ đạc không được chui vào trong nhà.

Giảm thiểu mua sắm: Chỉ mua những gì thật sự cần thiết sẽ giảm thiểu tác động tới môi trường, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng lên cuộc sống của người khác.

Tìm các món quà thay thế thay vì đi mua quà: Trao đổi quà từ những đồ có sẵn, yêu cầu tặng đồ từ thiện cho một ai/tổ chức nào đó thay vì nhận quà.

Loại bỏ thư từ rác: Không tuỳ tiện cung cấp thông tin cho các cửa hàng, không đăng ký nhận thư từ các tạp chí online, khuyến khích thanh toán qua mạng để tiết kiệm thời gian và giấy tờ.

Nói không với hàng miễn phí nếu không thật sự cần đến: Một cái bút chỗ này, một gói xà phòng chỗ kia, … nhiều khi tiếc “của” cứ nhặt về rồi lại vứt xó!

Sha - Vứt bỏ

Jay chia sẻ một số cách để rũ bỏ được những vật dụng không cần thiết ra khỏi cuộc sống: Mỗi ngày trừ khử ít nhất một đồ vật đã lâu không dùng đến: Một đôi tất quá cũ, một cuốn sách mua về nhưng chẳng buồn mở ra đọc, một cái áo không vừa,…

Không nhất thiết phải vứt bỏ hoàn toàn vì nhiều món đồ vẫn dùng được có thể đem làm quà tặng. Vừa có ích cho người khác, vừa đỡ phải dọn dẹp.

Giải phóng tủ quần áo: Giữ lại những món đồ bạn thích và hay dùng đến nhất, rồi cho hay bỏ đi những món cả năm không đụng đến.

Giảm thiểu lại dụng cụ bếp: Tương tự như tủ quần áo, hãy xem lại những dụng cụ bếp xem bỏ đi những thứ bạn gần như không dùng.

Ri - Tránh xa

Câu hỏi quan trọng của lối sống tối giản "Làm sao để nuôi dưỡng cảm xúc “thờ ơ” với các vật dụng của mình?’’

Có thể thử những cách sau: Nói lời tạm biệt với chúng (Jay còn viết hẳn lá thư chia tay đẫm nước mắt, bắt đầu bằng: “Đồ vật yêu quý,….”). Nâng niu quan điểm "ít hơn là nhiều hơn". Và trân trọng không gian hơn đồ vật.

                                                                                                       Như Quỳnh (t/h)