Hòa Minzy luôn nổi tiếng với hình ảnh vui vẻ, lạc quan, mang đến cho mọi người những nguồn năng lượng tích cực. Dù đã trải qua không ít thử thách trong cuộc sống, cô vẫn khẳng định mình rất hạnh phúc với những gì mình đang có, đặc biệt là với vai trò làm mẹ. Gần đây, bất ngờ thay, cô đã chia sẻ một trạng thái buồn bã liên quan đến con trai.
"Góc làm mẹ mới hiểu.
Cuộc đời chẳng còn gì vui khi con ốm...
Thời tiết ẩm ương thật sự, chỉ khổ bọn trẻ con huhu.
Ước là ốm thay được tụi nhỏ các mom ơi.
Nuôi mãi lên được 1 cân, ốm mấy hôm sụt luôn 1 nửa", Hòa Minzy chia sẻ.
Nguyên nhân chính là cậu bé Bo đang bị ốm, khiến mẹ Hòa không thể an tâm mà phải lo lắng, mất ăn mất ngủ. Tình trạng con mệt mỏi, sút cân và chậm lớn khiến bất kỳ người mẹ nào cũng cảm thấy đau lòng, chỉ mong có thể gánh vác bệnh tật thay cho con. Thế nhưng, mọi người cũng thường nhắc rằng, việc ốm đau là một phần tất yếu trong quá trình lớn lên của trẻ.
Bệnh tật cũng là cách cơ thể của trẻ phát triển và thích nghi với môi trường xung quanh. Do đó, dù có lo lắng đến đâu, mẹ Hòa Minzy cũng cần tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe cho Bo, động viên con ăn uống và cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Sau mỗi lần ốm, trẻ sẽ có sức đề kháng tốt hơn. Vì vậy, Hòa Minzy hoàn toàn có thể yên tâm rằng Bo sẽ sớm hồi phục.
"Ai đời mới ốm nửa tháng, kháng sinh các kiểu. Mới khỏi cho đi học 1 hôm về tối sốt liền, đi khám xong lại kháng sinh tiếp. Bởi vậy đừng ai hễ gặp lại chê tụi nhỏ sao nay gầy thế, ốm thế nha mấy anh chị ui. Tế nhị xíu cho mẹ nó đỡ xót ruột. Mình cũng bổ sung nhiều nhưng mỗi bạn một cơ địa. Bạn Bo hệ hô hấp kém, trở trời là biết tay nhau liền luôn", Hòa Minzy Tâm sự.
Thời tiết thất thường, các mẹ 5 điều sau để con không vật vã với trận ốm nào
Hà Nội hiện đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp từ thu sang đông, với thời tiết nắng nhẹ và nhiều gió. Ban ngày, nhiệt độ dễ chịu, nhưng khi chiều tối và sáng sớm, không khí lạnh lại tràn về, khiến thời tiết se lạnh hơn.
Theo dự báo, điều kiện thời tiết này sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tới, không chỉ tại Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh miền Bắc khác. Sự thay đổi nhiệt độ thất thường không chỉ làm trẻ nhỏ dễ mắc bệnh hô hấp mà còn tạo điều kiện cho các virus, vi khuẩn phát triển.
Để giúp con tăng cường khả năng bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, bố mẹ có thể thực hiện những việc cần thiết dưới đây:
1. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với mầm bệnh
Giai đoạn giao mùa, cả người lớn và trẻ nhỏ đều có nguy cơ mắc bệnh hô hấp. Ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể mang virus mà không biết. Do đó, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ đến những nơi đông đúc. Bên cạnh đó, việc tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật.
2. Tránh nơi có gió lạnh
Nếu không cần thiết, bố mẹ nên tránh cho trẻ ra ngoài vào buổi chiều tối, đêm và sáng sớm khi nhiệt độ thấp và gió mạnh có thể gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ.
3. Về nhà - rửa tay, ra ngoài - đeo khẩu trang
- Rửa tay thường xuyên cho con: Đây là một việc làm rất đơn giản nhưng các bé thường hay quên hoặc bé còn nhỏ không tự làm được. Vì thế, mẹ hãy chủ động rửa tay cho bé hoặc nhắc các con rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi vệ sinh, sau khi đi chơi về để rửa sạch bụi bẩn và vi khuẩn.
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài: Không khí khô mang theo nhiều bụi bẩn và vi khuẩn, vì thế mẹ nên tập cho bé đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài để cản bụi và vi khuẩn, virus lây qua đường hô hấp.
4. Mặc quần áo phù hợp
Thời tiết lúc giao mùa khá "ẩm ương", buổi sáng trời lạnh nhưng có thể chuyển sang nóng ngay giữa trưa rồi lại trở lạnh khi về chiều. Mặc ấm quá thì trẻ sẽ ra mồ hôi nhiều, hoặc mặc phong phanh trẻ dễ bị cảm lạnh, ho, sốt... Cách mặc quần áo phù hợp cho bé những ngày thời tiết giao mùa như sau:
- Với trẻ đang đi học nhà trẻ, mẫu giáo: Trong balo của bé cần có: áo khoác mỏng khi đi đường, bộ thu đông dài tay khi trời trở gió và bộ ngắn tay nếu trời nắng nóng.
- Khi ở nhà, đi ngủ, mẹ cũng nên chú ý mặc quần áo cho con thoải mái, tùy vào nhiệt độ trong phòng mà mặc sao cho phù hợp. Lý tưởng nhất là cho bé mặc đồ chất liệu cotton thoáng mát, dễ thấm mồ hôi. Khi bé ngủ nên mặc quần áo dài tay, lựa chọn tối ưu là loại bodysuit, bé sẽ không bị hở cổ, hở bụng, tránh bị nhiễm lạnh vào ban đêm.
5. Bú mẹ đầy đủ, bổ sung sữa chua, hoa quả
- Với trẻ sơ sinh: Cho trẻ bú mẹ đầy đủ là một trong những cách tăng sức đề kháng tự nhiên đơn giản nhất. Trẻ nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
- Với trẻ lớn hơn: Bữa ăn của trẻ phải được đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt nên được bổ sung thêm nước cam, hoa quả, sữa chua; tăng cường thực phẩm chứa kẽm và selen – 2 chất có tác dụng nâng cao sức đề kháng thông qua các thực phẩm như thịt bò, hàu sữa, bí đỏ, giá đỗ...
6. Tiêm phòng đầy đủ, nhất là những mũi phòng bệnh cúm, rubella, sởi...
Tiêm vắc xin là biện pháp thiết lập hệ miễn dịch chủ động cho trẻ, giúp cơ thể tập dượt cách chống lại các bệnh nguy hiểm. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, nhất là mũi phòng bệnh thường gặp lúc giao mùa như: cúm, rubella, viêm phổi do phế cầu, sởi, ho gà...
Lưu ý mũi vắc xin phòng bệnh cúm, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra dự báo về các loại virus cúm chủ yếu gây ra dịch cúm mùa hàng năm, đó là cơ sở để sản xuất vắc xin phòng bệnh cúm nên đây là loại vắc xin bố mẹ nên cho trẻ tiêm đều đặn hàng năm.