Mẹ chồng bị bệnh bắt con dâu nghỉ việc để chăm sóc gây bất bình. Ảnh minh họa: EP. |
Một bài viết đăng tải vào ngày 9/5 trên hội nhóm "Diễn đàn thảo luận mẹ chồng nàng dâu tại Trung Quốc" đã gây ra tranh cãi lớn. Theo người viết, đồng nghiệp của cô có một người mẹ chồng đã lớn tuổi, sức khỏe kém, đồng thời bà bị liệt nửa người và phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người khác.
Khi con cái trong gia đình đề nghị góp tiền để đưa bà vào viện dưỡng lão hoặc thuê y tá chăm sóc, người mẹ liền từ chối vì cho rằng đây là "hành động lãng phí tiền sau khi cưới con dâu", China Times đưa tin.
Người mẹ chồng yêu cầu con dâu của mình nghỉ việc công ty và trở về nhà chăm sóc sức khỏe, phụng dưỡng cho bà đồng thời đảm nhận luôn các công việc nội trợ khác trong gia đình.
Theo quan điểm của bà, khi con dâu được gả về nhà chồng, việc chăm sóc cha mẹ chồng và phụ giúp các việc lớn, nhỏ trong gia đình là điều hiển nhiên. Người mẹ không đồng ý các con của mình phải bỏ tiền túi để nhờ một người xa lạ trông nom.
Sau khi bài viết được đăng tải, nhiều cư dân mạng đã lên tiếng trách móc người mẹ chồng và kêu gọi cô con dâu trong bài viết không nên từ chức.
"Liệt nửa người và phụ thuộc hoàn toàn vào người khác là vấn đề rất lớn, cô con dâu sẽ không thể chịu đựng nổi", "Thà ly hôn còn hơn chấp nhận người mẹ chồng thế này", "Ai do mẹ đẻ ra thì phải chăm sóc mẹ đi, đừng lôi con dâu vào",... Nhiều người liên tục bình luận dưới bài đăng để thể hiện sự bức xúc.
Nhiều người bày tỏ sự bức xúc khi con dâu phải nghỉ việc để chăm sóc mẹ chồng. Ảnh minh họa: SCMP. |
Giáo sư Wu Bei, công tác tại trường Điều dưỡng Rory Meyers thuộc Đại học New York (Mỹ), cho biết hơn 85% gia đình ở Trung Quốc chọn lối sống tự phụng dưỡng cha mẹ già.
Tuy nhiên, việc này ngày càng khó khăn đối với các thành viên trong gia đình vì những thay đổi trong cơ cấu dân số, di cư và xu hướng phụ nữ ra ngoài làm việc thay vì ở nhà nấu nướng, theo SCMP.
Gánh nặng này được dự đoán sẽ ngày càng tăng trong những năm tới. Tính đến cuối năm 2019, Trung Quốc đã có hơn 253 triệu người trên 60 tuổi, tương đương 18% dân số. Con số này tăng nhanh so với năm 2010, khi nước này có 178 triệu người cao tuổi, chiếm 13% dân số.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, vào cuối năm 2018, khoảng 44 triệu người cao tuổi bị khuyết tật ở các mức độ khác nhau, nhưng chỉ có khoảng 2 triệu người sống trong viện dưỡng lão.
Khoảng 90% những người sinh sau năm 1980 cho biết họ không tin rằng mình có đủ khả năng chăm sóc cha mẹ. 74% đồng ý rằng áp lực công việc, cuộc sống khiến họ không thể dành nhiều thời gian cho các thế hệ trước. Một nửa số người được khảo sát cho biết đã sống xa cha mẹ và sẽ không đủ điều kiện để sống cùng và chăm sóc họ.
Ngay cả khi một số gia đình muốn thuê người trợ giúp, việc thiếu nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc y tế cho người già cũng là một vấn đề.
Khi thế hệ trẻ không thể chăm sóc cha mẹ ruột lẫn cha mẹ của chồng/vợ, một số người đổ lỗi cho họ, tin rằng những người này đang bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây, bao gồm lối sống đa dạng, chủ nghĩa cá nhân.
Một số nhà xã hội học tại Trung Quốc vẫn đang ra sức kêu gọi thế hệ trẻ quay lại với các giá trị văn hóa truyền thống của đất nước như lập gia đình, sinh con, nuôi dưỡng con cái, chăm lo cho người cao tuổi...