Chủ quan khi mèo cào cắn, 3 người mất mạng vì lây bệnh dại

Admin
Vì chủ quan với những vết mèo cào, cắn, khi có biểu hiện ớn lạnh, sợ nước, sợ ánh sáng mới nhập viện thì đã quá muộn. Đến nay người dân vẫn còn chủ quan với nguy cơ lây bệnh dại từ mèo.

Mất mạng vì chủ quan với vết mèo cào, cắn

 
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, vừa tiếp nhận ba trường hợp lây bệnh dại từ mèo hồi giữa tháng 10/2019. Bệnh nhân thứ nhất là ông P.V.T. (65 tuổi, ở Long An) được chuyển lên từ bệnh viện địa phương với các biểu hiện lơ mơ, huyết áp thấp, lạnh run, nước bọt chảy nhiều, liên tục trừng mắt. Bác sĩ chẩn đoán, ông T. mắc bệnh dại, tình trạng nguy kịch, chỉ sau chưa đầy 24 giờ nhập viện, ông T. đã tử vong.
 
Chủ quan khi mèo cào cắn, 3 mất mạng vì lây bệnh dại
Một vết thương do bị mèo cào

Đáng nói ông T. không mắc bệnh dại do bị chó cắn mà do bị mèo cào. Gia đình cho biết khoảng 4 tháng trước, ông T. vô tình đạp phải đuôi con mèo hàng xóm ở ngoài đường. Bất ngờ, con mèo quay lại cào, cắn vào chân trái của ông khiến phần cổ chân bị sưng tấy, đau nhưng ông tự mua thuốc uống. 2 ngày sau, con mèo cắn ông T. được phát hiện chết ở gần nhà, người thân khuyên ông đi tiêm ngừa dại nhưng ông chủ quan vì vết thương đã khô miệng.

Cứ như vậy, đến ngày 24/9, ông T. bỗng nhiên có biểu hiện lạ, bỏ ăn, mệt mỏi, rùng mình... nên được người nhà đưa tới bệnh viện. Không ngờ bệnh diễn tiến quá nhanh, chỉ sau vài ngày ông T. trở nên hung tợn rồi lơ mơ, khó thở, sợ ánh sáng, nguy kịch. Thời điểm đưa đến Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ông T. vật vã, suy hô hấp rồi tử vong.
 
Chủ quan khi mèo cào cắn, 3 mất mạng vì lây bệnh dại
Mèo cào, cắn hay liếm vào vết thương cũng có thể gây bệnh dại

Bệnh nhân thứ hai là ông D.V.U. (43 tuổi, ở Cà Mau) cũng được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng rất nặng, phát bệnh dại, hung dữ, vật vã, sau đó bất ngờ suy hô hấp, tử vong. Gia đình cho biết vài tháng trước khi phát bệnh, ông U. bị con mèo nhà nuôi cắn vào ngón trỏ bàn chân phải chảy máu. Sau đó, con mèo đã bị con chó của gia đình cắn chết. Vì nghĩ vết thương nhỏ, mèo nhà nuôi lành nên ông không đi tiêm ngừa.

Tiêm vắc xin không đủ liều vô cùng nguy hiểm

 
Bác sĩ Võ Xuân Huy, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết, bệnh dại vô cùng nguy hiểm, một khi đã phát bệnh, 100% sẽ tử vong.

Đáng nói, người dân hiện chỉ có ý thức phòng ngừa lây bệnh dại do chó cắn mà không biết, mèo có thể truyền virus dại cho người. Con mèo bị bệnh chỉ cần cào, cắn hay thậm chí liếm vào vết thương hở trên da cũng có thể làm virus dại có trong nước bọt lây truyền sang người. Đa số các trường hợp chết vì bệnh dại đều chủ quan không tiêm ngừa vắc xin sau khi tiếp xúc với chó mèo. Nguy cơ lây bệnh đến từ chính vật nuôi trong nhà khi rất nhiều người có quan niệm sai lầm rằng, chó mèo gia đình nuôi là sạch sẽ, không thể nào mắc bệnh.

Người bệnh thường chỉ nhập viện trong hai trường hợp: Một là thấy con vật từng cắn mình có biểu hiện dại như hung dữ chạy lung tung, sủa như rú, chảy nhiều nước dãi hoặc lăn ra chết. Những trường hợp này, nếu may mắn đi chích ngừa kịp thời, người bị cắn chưa phát bệnh vẫn có thể có cơ hội sống sót.
 
Chủ quan khi mèo cào cắn, 3 mất mạng vì lây bệnh dại
Cháu bé bị mèo cắn làm bị thương ở mặt nhưng chủ quan chỉ tiêm một liều vắc xin

Trường hợp thứ hai là khi bản thân người bị cào, cắn có biểu hiện phát bệnh như: Sợ sáng, sợ nước, bỏ ăn, mệt mỏi, vật vã... Lúc này 100% người bệnh tử vong, không có cách nào cứu chữa.
Bác sĩ nhấn mạnh việc quan trọng nhất trong phòng ngừa bệnh dại là tiêm vắc xin. Trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiêm ngừa dại khoảng 80-100 ca, cao điểm lên tới 150-200 ca/ngày. Phác đồ tiêm 5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28, tuy nhiên, không ít trường hợp chỉ tiêm mũi đầu rồi ngưng mà không nhận thức được điều này rất nguy hiểm.
 
Điển hình như trường hợp bé N.T.T.T. (5 tuổi, ở Đồng Tháp) cũng được chuyển đến BV khi đã phát bệnh dại với biểu hiện sốt cao, co giật, nước dãi chảy liên tục. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bé T. có vết thương ở vùng mi mắt và má có vết thương nghi do mèo cào, cắn. Mẹ cháu bé cho biết khoảng 1 tháng trước bé bị mèo nhà hàng xóm tấn công bất ngờ gây ra vết thương ở vùng mặt.

Gia đình đã đưa bé đi tiêm vắc xin nhưng chỉ chích ngừa 1 mũi. Sau đó, thấy vết thương đã lành nên gia đình bỏ dở. Bác sĩ gấp rút lên phác đồ điều trị cho cháu bé nhưng đã quá muộn. Sau khi nhập viện, bé rơi vào tình trạng hôn mê, nhận thấy tình trạng con quá nặng nên sau 2 ngày gia đình xin đưa con về.

Do vậy, bác sĩ khuyến cáo khi đã bị chó, mèo cào, cắn, dù vết thương lớn nhỏ như thế nào chỉ cần có xước da và chảy máu, người dân hay nhanh chóng tới cơ sở y tế tiêm phòng vắc xin. Vắc xin phòng bệnh dại có hiệu quả tốt nhất khi được tiêm trong vòng 48h sau khi bị súc vật cào, cắn. Lưu ý, việc tiêm vắc xin phải thực hiện đủ 5 mũi vào đúng ngày. Nếu tiêm không đủ liều vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh như thường.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/06/24/Sơ cứu khi bị chó cắn zing_24062019130134.mp4[/presscloud]
Hướng dẫn sơ cứu vết thương do chó mèo cắn. Video: Zing.vn
 
 
Hà Ly (t/h)