Miền Bắc ban ngày nắng nóng, ban đêm khói đốt rơm rạ cực nguy hại, nhớ điều này để bảo vệ sức khỏe

Admin
Chất lượng không khí những ngày qua tại miền Bắc xuống mức thấp khi ban ngày nắng nóng gay gắt, ban đêm khói đốt rơm rạ đầy trời nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Miền Bắc đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài nhất kể từ năm 1993 đến nay. Những ngày qua, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C.
 
Một số tỉnh Bắc Trung Bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 40 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 40-55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10-18 giờ.

Cảnh báo, đợt nắng nóng này còn kéo dài trong nhiều ngày tới, riêng khu vực Bắc Bộ nắng nóng có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 13/6.
 
Miền Bắc ban ngày nắng nóng, ban đêm khói đốt rơm rạ cực nguy hại, nhớ điều này để bảo vệ sức khỏe
 
Đáng nói, đây là thời gian người dân các tỉnh phía Bắc bước vào thu hoạch vụ mùa. Ban ngày nắng nóng nhưng ban đêm chất lượng không khí rất tệ do khói đốt rơm rạ của người dân.
 
Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày 3/6 đến nay thì chất lượng không khí tại một số tỉnh miền Bắc rất xấu. Thời tiết khô ráo, có nắng mạnh vào ban ngày, rơm rạ ở tình trạng khô thuận lợi cho việc đốt. Việc đốt rơm rạ chủ yếu diễn ra vào buổi tối nên nồng độ các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 trong không khí tăng mạnh bắt đầu tăng từ khoảng 18 giờ và đạt giá trị cực đại vào 20 – 22 giờ hàng ngày.

Ban ngày nắng nóng gay gắt khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, ban đêm lại phải hít thở bầu không khí ô nhiễm dễ khiến hệ miễn dịch suy giảm, gây ra nhiều bệnh tật đặc biệt về đường hô hấp.
 

Khói đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào?


TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, khói đốt rơm rạ mang theo các khí thải độc hại và cả bụi mịn cực kỳ có hại cho sức khỏe con người.

Cụ thể, trong khói đốt rơm rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... dễ gây kích ứng như chảy nước mắt, chảy nước mũi, gây kích thích phản ứng ở họng sinh ra ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở...
 
Miền Bắc ban ngày nắng nóng, ban đêm khói đốt rơm rạ cực nguy hại, nhớ điều này để bảo vệ sức khỏe
 

Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon). Khí này rất độc, nếu thường xuyên hít phải trong thời gian dài dễ biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi...

Khói bụi trong khi đốt rơm rạ lâu dần sẽ phá hủy các cơ quan hệ hô hấp. Dấu hiệu ban đầu chỉ là hắt hơi, sổ mũi nhưng sau đó dẫn đến các bệnh viêm mạn tính đường hô hấp trên.

Khi cơ quan hô hấp trên bị phá hủy, coi như lớp đầu tiên bảo vệ hệ hô hấp bị phá bỏ, không còn khả năng ngăn chăn vi khuẩn, virus xâm nhập, tạo điều kiện những bụi bặm vi trùng tấn công sâu hơn vào phế quản và phổi.

Bị viêm lâu ngày, khí quản phải chống lại bằng cách tăng tiết nhiều đờm gây cản trở lưu thông bình thường ở đường thở. Tắc nghẽn này gây khó thở và ứ đọng đờm dãi, trở thành môi trường cho các vi khuẩn sinh sôi và dần đẩy người bệnh vào suy hô hấp, suy tim, suy nhược cơ thể.
 
Miền Bắc ban ngày nắng nóng, ban đêm khói đốt rơm rạ cực nguy hại, nhớ điều này để bảo vệ sức khỏe
Luôn nhớ đeo khẩu trang khi ra ngoài

Nếu kéo dài hơn nữa, người bị bệnh sẽ luôn trong tình trạng thiếu oxy, dẫn đến suy giảm sức khỏe hô hấp và dễ mắc các bệnh khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản, viêm phổi và ung thư phổi.

Không chỉ tác động tới hệ hô hấp, khói độc do đốt rơm rạ còn có thể gây hậu quả lâu dài như làm giảm khả năng sinh sản, phá huỷ hệ miễn dịch, phá huỷ hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, tổn thương gen…
 

Làm gì để bảo vệ cơ thể trước khói rơm rạ

 
- Hạn chế ra khỏi nhà trong những ngày ô nhiễm, luôn luôn mang khẩu trang khi đi ra đường.
 
- Khi đang ở trong môi trường có bụi, nhiều người có thói quen bịt mũi mà không biết điều này rất tai hại. Chuyên gia khuyên rằng bạn nên thở bằng mũi, tránh thở bằng miệng, vì thở bằng miệng dễ khiến bụi xâm nhập vào phổi nhanh hơn. Hạn chế nói chuyện khi đang di chuyển trên đường.
 
- Sau khi từ ngoài đường về nhà, bạn nên rửa mặt, tay chân sạch sẽ để loại bỏ bớt bụi bẩn ô nhiễm đang bám vào người.
 
- Ở trong nhà nên đóng kín cửa để hạn chế khói bụi do đốt rơm rạ bay vào nhà. Nếu có thể nên bật quạt hoặc điều hòa để làm sạch không khí.
 
[presscloud]http://media.tuoitrexahoi.vn/upload/video/2019/06/27/So_cuu_dung_cach_khi_bi_soc_nhiet_do_nang_nong__VnExpress_27062019150107.mp4[/presscloud]
Các sơ cứu khi bị sốc nhiệt do nắng nóng
 
 
Theo Hà Ly/SKCĐ