Mưa lũ kéo dài khiến miền Trung phải đối mặt với căn bệnh nhiễm khuẩn Whitmore vô cùng nguy hiểm
11:27 18/11/2020
Miền Trung vừa trải qua một đợt mưa lũ lịch sử làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của người dân. Trong đó số ca phải nhập viện điều trị bệnh Whitmore đang ngày càng gia tăng.
Ngày 17/11, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đơn vị này đang tiến hành điều trị cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh Whitmore sau đợt mưa lũ kéo dài.
Bệnh Whitmore hay còn gọi với cái tên là bệnh Melioidosis. Đây là một căn bệnh viêm nhiễm do trực khuẩn gram âm Burkhoderia Pseudomallei gây ra. Loại vi khuẩn này chủ yếu được tìm thấy trong bùn đất và nước bẩn, trên các cánh đồng và trong các vũng nước tù đọng. Vi khuẩn Burkhoderia Pseudomallei sẽ lây sang cho con người và vật nuôi nếu có tiếp xúc trực tiếp với nguồn ô nhiễm.
Rất nhiều bệnh nhân nhập viện do nhiễm khuẩn Whitmore
Bệnh viện Trung ương Huế vừa đưa ra thống kê từ năm 2014 - 2019 đã xuất hiện 83 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Whitmore. Từ tháng 1/2020 - 9/2020 số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế là 11 ca.
Thời gian qua mưa lũ kéo dài liên miên tại các tỉnh miền Trung đã khiến cho số ca nhiễm khuẩn Burkhoderia Pseudomallei ngày càng tăng lên. Cụ thể trong vòng hơn một tháng từ tháng 10/2020 - 11/2020 đã có 28 bệnh nhân phải nhập viện để điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Các bệnh nhân chủ yếu đến từ huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) chiếm 50% và các bệnh nhân ở các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị,...
Thời gian qua mưa lũ kéo dài liên miên tại các tỉnh miền Trung đã khiến cho số ca nhiễm khuẩn Burkhoderia Pseudomallei ngày càng tăng lên
Tại đây các bác sĩ cũng cho biết, nhiều bệnh nhân đến điều trị muộn đều có chung một tình trạng đó là: Nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng,... khiến cho việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Căn bệnh nhiễm khuẩn này hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm và điều trị bằng thuốc đặc hiệu.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, việc điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm Whitmore được chia thành hai giai đoạn chính, bao gồm:
Giai đoạn tấn công: Bệnh nhân sẽ chủ yếu được điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch để nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn.
Giai đoạn duy trì: Bệnh nhân sẽ chủ yếu sử dụng kháng sinh đường uống với mục đích để tiêu diệt những vi khuẩn còn sót lại và giảm nguy cơ tái nhiễm bệnh.
Việc điều trị bệnh khá khó khăn và tốn kém
Phó Giám đốc Bệnh viện trung ương Huế, bà Hoàng Thị Lan Hương cho biết, hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore, hơn thế nữa việc điều trị căn bệnh nhày cũng rất khó khăn, chi phí điều trị cao mà hiệu quả lại không mấy khả quan. Nguyên nhân là do vi khuẩn B. pseudomallei kháng được hầu hết các loại kháng sinh thông thường.
Bà Hương cũng thông tin thêm: "Sau bão lũ sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra gây ô nhiễm môi trường nên người dân phải đối mặt với rất nhiều bệnh lý truyền nhiễm tiềm ẩn. Vì vậy, hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn ở vùng lũ, sử dụng giày dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, nước lụt, khi có vết thương hở, vết loét... cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước lũ bị ô nhễm nặng…".
Xem thêm: Phải cắt bỏ đoạn ruột non vì ăn dưa hấu để qua đêm, nguyên nhân do cách bảo quản dưa hấu sai bét
Theo Thiên Bình/SKCĐ