Nhân viên y tế lấy thân 'làm mồi' nhử muỗi trong đêm

Để bắt được những con muỗi truyền bệnh sốt rét, các nhân viên y tế dùng chính thân mình làm mồi nhử. Trong bóng tối, họ kiên trì ngồi yên, phơi đôi chân trần để muỗi đốt.
can-canh-nhan-vien-y-te-lay-than-lam-moi-nhu-muoi-trong-dem-1696406589.mp4

Mục sở thị những người lấy thân mình làm mồi cho muỗi ăn

Hơn 22 giờ ngày 3/10, chúng tôi theo chân các nhân viên khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đi “làm mồi nhử muỗi”. Tại bìa rừng phòng hộ Cần Giờ (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TPHCM), trong bóng đêm, các nhân viên bắt đầu xắn ống quần, để lộ đôi chân trần dụ muỗi đến “ăn”.

nhan-vien-y-te-lay-than-minh-nhu-muoi-2-1696407071.jpg

Gần 22 giờ ngày 3/10, các nhân viên khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đi “làm mồi nhử muỗi” tại huyện Cần Giờ, TPHCM.

nhan-vien-y-te-lay-than-minh-nhu-muoi-3-1696407083.jpg

Bắt muỗi tại trại gia súc

nhan-vien-y-te-lay-than-minh-nhu-muoi-4-1696407098.jpg

Nhân viên y tế bắt muỗi bằng máy

Không dám động đậy dù rất ngứa, các nhân viên cố gắng để muỗi bám đậu càng nhiều càng tốt. Chốc chốc, các nhân viên mới soi đèn pin để quan sát những con muỗi đang “say mồi” bám đầy trên đôi chân. Trong hàng chục con muỗi ấy, họ phải tinh mắt để phát hiện ra con muỗi truyền bệnh sốt rét, sau đó dùng ống nghiệm đã chuẩn bị sẵn để bắt.

Để ngừa nguy cơ mắc sốt rét, các nhân viên y tế trước khi dấn thân vào "nghiệp" làm mồi dụ muỗi này đều uống thuốc phòng. Sau mỗi lần "làm mồi", họ hạn chế gãi để làm vết đốt thêm sưng tấy. Để tự nhiên khoảng một đến hai ngày sẽ tự khỏi. Theo các nhân viên khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính HCDC, điều may mắn là đến nay, chưa có ai bị nguy hiểm gì. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, lơ là.

Thạc sĩ Mai Xuân Phán - Phó khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính cho biết, tại TPHCM hiện có hai điểm mà lịch sử bệnh sốt rét đã được lưu hành cần được theo dõi giám sát muỗi theo định kỳ hằng tháng, gồm Nhà Bè và Cần Giờ. Việc này nhằm mục đích đánh giá sự biến động của quần thể muỗi, từ đó cảnh báo cho người dân và cơ quan chuyên môn chủ động có giải pháp diệt muỗi.

nhan-vien-y-te-lay-than-minh-nhu-muoi-5-1696407119.jpg

Dùng người làm mồi nhử muỗi. Các nhân viên y tế để lộ đôi chân trần, ngồi yên cả giờ liền để cho muỗi đốt.

nhan-vien-y-te-lay-than-minh-nhu-muoi-6-1696407132.jpg

Một con muỗi truyền bệnh sốt rét đậu trên đầu ngón chân nhân viên y tế.

nhan-vien-y-te-lay-than-minh-nhu-muoi-7-1696407148.jpg

Dùng ống nghiệm bắt muỗi đang say mồi

Theo ông Phán, có nhiều cách bắt muỗi khác nhau như bắt muỗi trú đậu trong nhà ban ngày và ban đêm, ở ngoài nhà ban ngày, ở chuồng gia súc ban đêm; dùng bẫy đèn, bẫy màn bắt muỗi; đặc biệt là lấy thân mình làm mồi ban đêm để bắt.

Trước đây, người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm được hỗ trợ 130.000 đồng/người/đêm theo quy định của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên hiện nay, Thông tư nói trên hết hiệu lực. Do đó, TPHCM đưa ra đề xuất hỗ trợ khác.

nhan-vien-y-te-lay-than-minh-nhu-muoi-8-1696407161.jpg

Mỗi đêm, các nhân viên bắt được gần cả trăm con muỗi sau mỗi lần cho "ăn mồi".

nhan-vien-y-te-lay-than-minh-nhu-muoi-1-1696407177.jpg

Các nhân viên y tế bắt muỗi kết thúc một đêm bắt muỗi.

Theo đó, TPHCM dự kiến chi hỗ trợ người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm 130.000 đồng/người/đêm; chi hỗ trợ cho người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng (tính theo ngày) do Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; chi hỗ trợ cho người trực tiếp thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình và trong các đợt tổ chức chiến dịch với 3.000 đồng/hộ/lần.

Uyên Phương