Mặc dù vợ chồng Thủy Tiên – Công Vinh đã sao kê ‘tươm tất’ số tiền kêu gọi từ thiện với công chúng như đã hứa nhưng trên mạng xã hội vẫn liên tục xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt.
Sự việc được đẩy lên đến đỉnh điểm khi một tài khoản Facebook đăng tải thông tin cùng giấy tờ đặt nghi vấn Thủy Tiên từng mắc nợ hơn 17 tỷ đồng vào thời điểm tháng 10/2020. Đáng chú ý, ngay sau khi kết thúc đợt thiện nguyện miền Trung, Thủy Tiên đã trả xong khoản nợ hơn 17 tỷ đó. Điều này đã khiến cư dân mạng không khỏi hoài nghi và thắc mắc về số tiền hơn 17 tỷ đồng của Thủy Tiên.
Trước thông tin trên, Luật sư Phan Vũ Tuấn - Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam đã thay mặt Thủy Tiên khẳng định thông tin tín dụng (khoản nợ xấu 17 tỷ) bị quy kết là của ca sĩ Thủy Tiên không có giá trị pháp lý vì không đảm bảo tính xác thực về nguồn cung cấp lẫn thông tin được đưa ra.
Nguyên văn câu trả lời từ phía luật sư của Thủy Tiên như sau:
- Hiện có thông tin cho rằng CIC của ca sĩ Thuỷ Tiên bị lộ. Tính chất pháp lý của giấy tờ này có đúng không, có hay không việc ca sĩ Thuỷ Tiên từng vay 17 tỷ sau khi đi từ thiện về lại thanh toán hết?
Theo nội dung câu hỏi đề cập, chúng tôi hiểu rằng đối tượng được nói đến là "thông tin tín dụng", được hiểu theo quy định tại Khoản 1 và 4 Điều 3 Nghị định 58/2021/NĐ-CP là các dữ liệu, số liệu, dữ kiện liên quan của tổ chức, cá nhân được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng hoặc được tổ chức tham gia khác cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản, mua hàng trả chậm, trả dần, cầm đồ có điều kiện về lãi suất, thời hạn, tiền thuê, biện pháp bảo đảm nghĩa vụ.
Điều 21 Nghị định 58/2021/NĐ-CP đã liệt kê rõ những đối tượng được cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng, gồm:
- Chính khách hàng có thông tin tín dụng;
- Cơ quan, tổ chức khác với mục đích hợp pháp do pháp luật quy định và phải kèm theo điều kiện là phải có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng đó (Khoản 6 Điều 10 Thông tư 03/2013/TT-NHNN)
Từ những quy định đã nêu, có thể thấy thông tin tín dụng bị quy kết là của ca sĩ Thủy Tiên và hiện đang được lan truyền trên mạng xã hội không có giá trị pháp lý.
Bởi lẽ, thông tin tín dụng đó không đảm bảo tính xác thực về nguồn cung cấp lẫn thông tin được đưa ra. Ca sĩ Thủy Tiên không có văn bản đồng ý cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào khác được quyền khai thác thông tin sản phẩm tín dụng của mình.
Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 21 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, việc cung cấp, trao đổi thông tin tín dụng, cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng khi chưa được sự đồng ý tại thỏa thuận với khách hàng vay, không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Trước thắc mắc phía Thuỷ Tiên có động thái nào để xử lý những nguồn thông tin bất lợi, chưa xác thực liên tục tràn lan trên mạng xã hội, Luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết thêm: "Đối với những thông tin sai sự thật, bịa đặt gây ảnh hưởng đến ca sĩ Thủy Tiên, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục thu thập những chứng cứ cần thiết để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
Bởi lẽ Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rằng danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Người có hành vi bịa đặt hay loan truyền những thông tin sai sự thật nhằm xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị buộc phải bồi thường thiệt hại, xin lỗi, cải chính công khai.
Trong trường hợp hành vi nghiêm trọng đến mức vi phạm pháp luật hình sự, người đó sẽ còn chịu chế tại phạt tiền hoặc phạt tù cho đến 07 năm theo Điều 156 Bộ luật Hình sự về tội vu khống. Do đó, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà chúng tôi sẽ cân nhắc sử dụng các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
Hiện tại, việc Thủy Tiên bị tung tin đồn có khoản nợ xấu hơn 17 tỷ đồng vẫn thu hút sự chú ý, quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng.