SARS-CoV-2 tấn công cơ thể như thế nào và cách hệ miễn dịch chống lại các virus gây bệnh

Hệ miễn dịch có mặt ở khắp mọi nơi trên cơ thể con người, nó tồn tại như lớp rào chắn ngăn không cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập. Một khi hệ miễn dịch suy yếu, virus, vi khuẩn sẽ bùng lên khiến con người mắc bệnh
Anh Phạm Trường Sơn (40 tuổi) là tiến sĩ hóa dược gốc Việt, nguyên nghiên cứu viên tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary. Anh nổi tiếng qua nghiên cứu, chế tạo thành công sản phẩm thảo dược giúp tăng sinh tế bào gốc trong hỗ trợ điều trị ung thư. Trong một bài viết trên báo Thanh Niên, TS Phạm Trường Sơn chia sẻ về cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch cơ thể người và cách hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào.
 
Virus SARS-CoV-2 tấn công cơ thể như thế nào và cách hệ miến dịch chống lại các virus gây bệnh
TS hóa dược Phạm Trường Sơn
 

Hệ miễn dịch là gì?


Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan với tốc độ không thể kiểm soát trên toàn thế giới, truyền thông nhắc nhiều về biện pháp con người tự bảo vệ mình trước virus gây bệnh. Đó là nâng cao hệ miễn dịch hay tăng cường sức đề kháng.

Hệ miễn dịch là gì mà có khả năng bảo vệ con người trước vi khuẩn, virus gây bệnh? TS Phạm Trường Sơn lý giải, hệ miễn dịch là bộ phận đặc biệt phức tạp có mặt ở khắp mọi nơi trong và trên cơ thể. Vai trò của hệ miễn dịch là chống lại sự xâm nhập của những kẻ ngoại lai như: virus, vi khuẩn, nấm gây bệnh...
 
"Không có hệ miễn dịch, chúng ta chết trong vòng vài tuần vì trên 1 cm2 bề mặt da đã có hàng chục nghìn vi sinh vật sẵn sàng tấn công cơ thể bất kỳ lúc nào", TS Phạm Trường Sơn phân tích.
Ví dụ, người mắc bệnh AIDS bị virus HIV phá hỏng toàn bộ hệ miễn dịch nên họ sẽ chết dần chết mòn vì các bệnh truyền nhiễm. Hoặc trên thế giới có những trẻ sinh ra không có hệ miễn dịch buộc phải sống trong môi trường vô trùng cả đời.

Không chỉ bảo vệ cơ thể khỏi virus, vi khuẩn gây bệnh, hệ miễn dịch còn sàng lọc tế bào đột biến bất thường bên trong cơ thể có khả năng gây ung thư và tiêu diệt chúng trước khi chúng gây bệnh.

Theo TS Phạm Trường Sơn, con người từ khi sinh ra đã có hệ miễn miễn dịch bẩm sinh thừa hưởng từ người mẹ đó là lớp da, màng niêm mạc: miệng, họng, khí quản, dạ dày, ruột, hệ bài tiết... Phần còn lại mỗi người phải tự hoàn thiện trong quá trình lớn lên gọi là hệ miễn dịch thu được.
 
Virus SARS-CoV-2 tấn công cơ thể như thế nào và cách hệ miến dịch chống lại các virus gây bệnh

Hệ miễn dịch bẩm sinh còn có các thực bào (tế bào bạch cầu) đươc gọi là tế bào sát thủ tự nhiên có nhiệm vụ tiêu diệt mầm bệnh nếu chúng vượt qua biên giới đầu tiên là các bộ phận da, niêm mạc mũi họng,...

Hệ miễn dịch bẩm sinh phản ứng nhanh, có khả năng chống lại các mầm bệnh cơ bản. Tuy nhiên chúng không thể chống lại các tác nhân phức tạp và không có tính chất ghi nhớ.

Khi đó, cơ thể cần đến hệ miễn dịch thu được là hệ thống cao cấp hơn bao gồm các tế bào lympho B và T phân tích cấu trúc vi sinh vật và tạo kháng thể. Đây được xem là vũ khí đặc hiệu có tác dụng riêng cho từng loại virus, vi khuẩn. Sau khi tiêu diệt mầm bệnh, chúng ghi nhớ thông tin để nếu mầm bệnh này lần sau tấn công sẽ có ngay vũ khí để phản ứng lại.
 

Virus xâm nhập cơ thể như thế nào?


Bất kỳ loại virus nào muốn tấn công cơ thể đều phải vượt qua lớp màng bảo vệ đầu tiên đó là da, niêm mạc ở mũi, miệng hay ruột, sau đó tấn công vào tế bào.

TS Phạm Trường Sơn phân tích, virus có thụ thể được xem như chìa khóa mở cánh cổng lớp màng tế bào để chui vào đó, bắt tế bào phải sản xuất theo mã di truyền của chúng rồi nhân bản lên hàng nghìn hàng triệu lần. Khi virus làm vỡ tung tế bào, nó sẽ tiếp tục lại tiếp tục lan sang tấn công các tế bào khác, cứ như vậy gây bệnh.
 
Virus SARS-CoV-2 tấn công cơ thể như thế nào và cách hệ miến dịch chống lại các virus gây bệnh
Mô phỏng virus SARS-CoV-2

Điển hình là virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc. Virus này xâm nhập vào tế bào chủ bằng liên kết protein S (chìa khóa) trên bề mặt virus với thụ thể ACE2 (ổ khóa) trên bề mặt tế bào.
 
ACE2 không chỉ có ở phổi mà còn ở nhiều cơ quan khác bao gồm tim, gan, thận và các cơ quan tiêu hóa. Do đó, bệnh nhân mắc COVID-19 không chỉ có biểu hiện khó thở do virus tấn công vào phổi mà còn có thể biến chứng đa cơ quan như tổn thương cơ tim cấp tính gây rối loạn nhịp tim, suy thận cấp, tiêu chảy, sốc và tử vong do hội chứng rối loạn đa chức năng. Các triệu chứng này càng nặng hơn và nguy hiểm hơn ở người có bệnh lý nền mạn tính như: tim mạch, tiểu đường…

Hệ miễn dịch hoạt động như thế nào để bảo vệ cơ thể?


TS Phạm Trường Sơn phân tích, một khi virus xâm nhập (quân địch), cơ thể cử các thực bào (anh lính) tới để tấn công virus đồng thời phát tín hiệu cảnh báo đến toàn hệ miễn dịch là có kẻ thù xâm nhập.

Các "anh lính" dồn về đóng quân tại các căn cứ gần quân địch nhất đó là các hạch bạch huyết (nằm ở mang tai, cổ, nách, bẹn). Đó là lý do vì sao khi một người bị bệnh thường thấy các hạch này sưng lên.

Khi có phản ứng sốt tức là số lượng virus nhân lên quá lớn khiến thức bào không kịp kiểm soát, tiêu diệt. Phản ứng sốt gây nhiệt độ cao sẽ tác động làm chậm quá trình nhân bản của virus.

Tuy nhiên, với người mắc COVID-19, do hệ miễn dịch phản ứng thái quá dẫn đến sốt quá cao (40 độ C) có thể gây tổn thương các mô khác. Đó là lý do người bệnh cần được hạ sốt kịp thời.

Thông tin về virus được "anh lính thông tin" là tế bào tua mang xác virus về "doanh trại" ở các hạch để "cấp trên" là tế bào lympho B và T phân tích tìm chiến lược phù hợp.

Theo TS Phạm Trường Sơn, hai "vị tướng" này sẽ thử các loại "vũ khí" (là các kháng thể) có khả năng gắn kết vào lớp ngoài của virus. Khi tìm thấy loại "vũ khí" phù hợp thì tế bào B sẽ sản xuất hàng loạt và gửi nó đi khắp nơi trong cơ thể.

Virus bị các kháng thể bám chặt trên bề mặt và vô hiệu hóa, không cho nhân lên và tấn công các tế bào khác. Ngoài ra, các kháng thể này còn là vật chỉ điểm virus để các thực bào lao đến tấn công. Những tế bào nào đã nhiễm virus bên trong thì sẽ bị tế bào T và tế bào sát thủ tự nhiên NK tìm đến tiêu diệt, theo cơ chế hy sinh cả "quân mình" để "diệt địch".

Trung bình, sau khoảng 1 tuần mắc bệnh và sốt, cơ thể hồi phục do hệ miễn dịch và các kháng thể được hoàn thiện, có khả năng chống lại virus. Hệ miễn dịch cũng lưu trữ thông tin về kháng thể để những lần sau nếu virus này xâm nhập thì cơ thể có ngay "vũ khí" để tiêu diệt.

Với cơ chế này, một hệ miễn dịch càng khỏe mạnh thì hiệu quả tiêu diệt virus càng cao, người bệnh càng mau khỏi. Đây chính là lý do tại sao mỗi người nên củng cố hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là những bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng nhưu vắc xin phòng bệnh như COVID-19.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/03/19/vi-chat-giup-nang-cao-suc-de-khang_19032020144655.mp4[/presscloud]
Các loại vi chất giúp nâng cao hệ miễn dịch. Video: HanoiTV
 
 
Hà Ly (t/h)