
Trước đó, khi được Hội đồng xét xử (HĐXX) đề nghị đưa ra quan điểm về yêu cầu bồi thường, khắc phục hậu quả vụ việc, ông Cao Văn Hường (bố nạn nhân) nói rằng vì quá đau đớn nên không thể kê khai hết thiệt hại về vật chất. Do đó, luật sư của nạn nhân đã đồng thời đề nghị dành thời gian cho gia đình bị hại xác định thiệt hại về vất chất để xem xét bù đắp cho gia đình ông Hường.
Từ căn cứ này, cơ quan tố tụng nhận định quá trình giam giữ trên thùng xe, các bị cáo đã sử dụng các hoạt chất làm nạn nhân bất tỉnh. Việc khai quật tử thi là hoạt động tố tụng bình thường để thu thập các chứng cứ nhằm xác định sự thật vụ án.

Sau đó, vị đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục mời luật sư nêu ra những tình tiết được cho là còn uẩn khúc để cơ quan tố tụng có trách nhiệm làm rõ. Khi luật sư của nạn nhân không đưa ra thêm tình tiết nào khác. HĐXX bổ sung thêm việc khai quật lần thứ hai là để làm sáng tỏ vụ án.
Về việc luật sư cho rằng pháp luật không quy định mức bồi thường nếu khai quật tử thi lần hai, HĐXX cho biết căn cứ Nghị quyết 03, nếu có khai quật tử thi tới 3 lần sẽ vẫn tính toán để đề nghị các bị cáo bồi thường bình thường. HĐXX cho biết tính đến thời điểm này, gia đình Phạm Văn Dũng, Phạm Văn Nhiệm đã nộp 8 triệu đồng để bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Báo Lao động dẫn lời Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia tâm lý tội phạm học cho hay việc khai quật tử thi nạn nhân là hoạt động bình thường trong quá trình điều tra tội phạm. Việc này sẽ phát hiện những dấu vết sinh học, hóa học, những dấu vết vật chất khác để đưa ra những chỉ dấu về hành vi của đối tượng, nạn nhân và những người có liên quan.
Chia sẻ với Zing.vn, Tiến sĩ - đại tá Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), khẳng định trong các vụ án, khám nghiệm hiện trường là một quy trình hết sức quan trọng, đặc biệt là các vụ giết người, hiếp dâm. “Công việc này có thể được diễn ra nhiều lần, đó là điều bình thường trong nghề khoa học hình sự”, tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng nhấn mạnh.