Cụ thể, đến chiều ngày 13/8, qua giám sát, 3 ca bệnh bạch hầu (1 ca điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, 1 ca điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa và 1 ca điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) Sức khoẻ có dấu hiệu phục hồi tốt. Ngày 12/3, bệnh nhân P.L.M điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã đủ tiêu chuẩn xuất viện, về nhà lúc 23h cùng ngày. Hiện bệnh nhân hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh trong vòng 7 ngày và tiếp tục theo dõi ngoại trú đủ 60-70 ngày (theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc chẩn đoán và điều trị bạch hầu).
Ngoài ra, 34 trường hợp tiếp xúc gần với 3 ca mắc bạch hầu (F1) được cách ly, sức khoẻ bình thường. Ngành chức năng tiếp tục cấp phát, triển khai uống thuốc dự phòng bệnh bạch hầu cho 872 nhân khẩu tại khu phố Đoàn Kết và phun tiêu độc khử trùng bằng cloramin B (0,1%) cho 31 hộ dân có F1 cách ly tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Theo nhận định của Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, ổ dịch bạch hầu tại khu phố Đoàn Kết không xác định nguồn lây, có tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ổ dịch mới trong cộng đồng bởi, đặc điểm là huyện miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin có thành phần bạch hầu nhiều năm đạt tỷ lệ thấp.
Phía Trung tâm Y tế huyện Mường Lát cũng cho biết, công tác phát hiện, triển khai các biện pháp phòng chống dịch được Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Mường Lát triển khai, thực hiện sớm, quyết liệt, vì vậy nguy cơ dịch bệnh lây lan thấp.
Trước đó, ngày 5/8, thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc bệnh bạch hầu tại thị trấn Mường Lát, ngành y tế Thanh Hóa thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, khai báo, báo cáo dịch, tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức cách ly y tế... Bệnh nhân được phát hiện mắc bệnh bạch hầu đầu tiên là thai phụ P.L.M (ở khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát). Sau đó, 2 ca bệnh bạch hầu mới được xác định là F1 của bệnh nhân P.L.M.