1. Nước râu bắp (râu ngô)
Sợi râu ngô dài, dai, màu nâu hung, vị ngọt, khô mà mềm có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Theo Đông y, râu bắp (ngô) được coi là vị thuốc vị ngọt tính bình, có công năng lợi tiểu, tiêu thũng, thông mật, lợi mật, thanh huyết nhiệt, bình can, thoái hoàng, chỉ huyết.
Đem phơi khô râu ngô hoặc dùng tươi, kết hợp với mía lau, lá dứa nấu nước uống thay nước lọc hằng ngày giải nhiệt rất tố. Đặc biệt, những người bị bệnh cao huyết áp, đái tháo đường.
2. Trà xanh
Trong lá trà xanh chứa hàm lượng Epigallocatechin Gallate (EGCG), là chất chống ô xy hóa mạnh nhất có nguồn gốc tự nhiên. Chất này còn có tác dụng giảm mệt mỏi, căng thẳng đồng thời làm mát da, lọc bỏ độc tố trên da, làm sáng, mịn da.
Uống lá trà xanh đặc biệt giải nhiệt tốt trong mùa hè. Mỗi ngày uống 4 - 5 tách trà khoảng (800 - 1.000 ml) vừa thanh nhiệt, giải độc, phòng ngừa được một số bệnh như cao huyết áp, xơ vữa động mạch,... Tuy nhiên, không nên uống vào buổi tối để không khó ngủ.
3. Rau má
Theo Đông y, rau má có tính hàn (lạnh), tân (cay), khổ (đắng). Uống nước rau má có tác dụng hạ huyết áp, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu và còn tăng trí nhớ, thị lực.
Mỗi ngày dùng 30 - 50 g rau má tươi (có thể nhiều hơn), rửa thật sạch rồi giã nát hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước pha nước hoặc nước dừa để uống. Rau má cũng có thể nấu thành canh hoặc nấu nước sôi uống thay trà đều rất tốt.
4. Sắn dây
Bột sắn dây có vị ngọt, tính bình, công năng giải nhiệt, giải biểu, sinh tân dịch, chỉ khát, tác dụng chữa cảm mạo, phát sốt, ban sởi mới phát, đi lị ra máu, khát nước, mụn nhọt.
Còn trong Tây y, trong sắn dây có chất isoflavon giúp tăng lượng máu lên não, là thức uống phòng cao huyết áp. Uống sắn dây giúp thanh nhiệt, giải độc và làm ra mồ hôi.
Bạn có thể uống nước sắn dây hoặc kết hợp vắt thêm hai quả quất vào, hòa tan với đường, cho thêm đá để thêm tác dụng giải nhiệt.
5. Nước cam, chanh
Cam, chanh có tác dụng sinh tân dịch, cải thiện tình trạng khô khát, trừ nhiệt, dùng chữa các bệnh khô nóng do nhiệt.
Những loại trái cây này rất giàu kali và vitamin C, bù đắp lượng chất điện giải cần thiết, tăng cường hệ miễn dịch để cơ thể không bị ốm trong thời tiết nắng nóng.
6 Nước dừa
Theo Đông y, nước dừa ngọt ấm, không độc, giúp tăng cường khí lực. Uống nước dừa thường xuyên sẽ rất tốt cho sức khỏe, giúp hạ nhiệt nhanh chóng, bù đắp điện giải khi cơ thể ra mồ hôi. Dù vậy, chú ý người huyết áp thấp tiểu đường không nên uống loại nước này.
7. Nước vỏ dưa hấu + bí đao
Dưa hấu là loại trái cây nhiệt đới với 92% là nước. Loại trái cây này tính hàn không độc, giúp cơ thể tránh mất nước vào mùa hè, trị cảm nắng, tê mỏi đau, tiểu tiện lắt nhắt.
Ngay cả vỏ dưa hấu cũng có tác dụng giải khát, thanh nhiệt giải độc kết hợp với vỏ quả bí đao có tác dụng tiêu sưng, viêm.
Cách làm: Vỏ dưa hấu, bí đao thái nhỏ (dùng tươi hoặc phơi khô) rồi sắc với nước uống hằng ngày. Loại nước này rất tốt cho người bệnh đái tháo đường, người phải bù nước.