Ngành Sư phạm tăng sức hút
Bộ GDĐT thông tin, năm 2024, Sư phạm là 1 trong 4 ngành học có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển tăng cao nhất, lên đến 85% so với năm ngoái (tương đương khoảng 200.000 nguyện vọng).
Tiêu biểu, tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, số thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường năm nay tăng 100% so với năm 2023 với 31.252 thí sinh. Trong khi đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng ghi nhận số học sinh đăng ký vào trường tăng tương đương mức trung bình cả nước, khoảng 40.000 nguyện vọng. Trước đó, kỳ thi đánh giá năng lực của trường cũng có lượng thí sinh tham dự tăng gấp 2,5 lần so với năm trước.
Thí sinh đổ xô đăng ký nhưng chỉ tiêu tuyển sinh mà Bộ GDĐT giao cho các trường sư phạm lại ít. Đồng thời, các trường lại dành phần lớn chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm, kéo theo chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT còn lại không nhiều, ví dụ như một số ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học… của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có số chỉ tiêu còn lại “đếm trên đầu ngón tay”. Cuộc đua vào các trường sư phạm trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Theo dự báo của các trường đào tạo ngành Sư phạm, điểm chuẩn của ngành năm nay có thể tăng cao nhất lên đến 2 điểm.
Giải mã lí do
Đoạt giải Ba học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, em Nguyễn Khánh Huyền - học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Hà Tĩnh) - được xét tuyển thẳng hàng loạt trường đại học danh tiếng. Cuối cùng, em quyết định lựa chọn theo học ngành Sư phạm Lịch sử tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Khánh Huyền chia sẻ, truyền thông mới là ngành em muốn học nhất. Em đã tìm hiểu về các trường đào tạo ngành này như Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)... trong suốt 3 năm qua. Dẫu vậy, nữ sinh vẫn chọn ngành Sư phạm để gắn bó trong 4 năm tới bởi vấn đề chi phí học đại học và công việc ổn định sau khi ra trường.
“Em sinh ra trong gia đình thuần nông, cũng không khá giả. Nhà có 3 chị em, em là chị cả trong nhà. Vì vậy em mong muốn sớm có công việc ổn định để có thể đỡ đần bố mẹ và dìu dắt các em” - Huyền nói và cho biết, em không muốn chi phí học đại học của bản thân trở thành gánh nặng cho gia đình. Nếu học sư phạm, không những em không cần đóng học phí mà còn được nhà nước hỗ trợ tiền sinh hoạt hàng tháng…
Ngoài ra, sức hấp dẫn của bộ môn Lịch sử và nguồn cảm hứng được truyền từ thầy cô là động lực để Khánh Huyền quyết tâm theo học Sư phạm. “Quyết định này của em cũng được gia đình tôn trọng và ủng hộ” - em hạnh phúc nói.
Tuy nhiên, nữ sinh vẫn bày tỏ những băn khoăn, lo lắng trước lựa chọn của mình, trong đó cơ hội việc làm sau khi ra trường là điều em nhắc tới nhiều nhất.
“Nhiều người khuyên em học Sư phạm Ngữ văn, Toán, tiếng Anh… để sau này ra trường dễ kiếm việc hơn Sư phạm Lịch sử. Nhưng em nghĩ rằng, nếu bản thân có năng lực, cố gắng và quyết tâm thì cơ hội vẫn đến với mình” - Khánh Huyền cho hay.
Trong khi đó, không lo lắng về vấn đề học phí, em Nguyễn Thị Hồng Thảo - học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (Đăk Lăk) - lại ưu tiên sự phù hợp của ngành Sư phạm với bản thân khi đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
“Em phát hiện bản thân thích chia sẻ câu chuyện, trao đổi kiến thức của mình với mọi người nên em nghĩ ngành Sư phạm sẽ phù hợp với mình” - em nói.
Hồng Thảo cho rằng, hiện nay cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm sau khi ra trường khá rộng mở bởi nhu cầu lớn của xã hội. Môi trường làm việc đa dạng, bao gồm hệ thống các trường công lập và dân lập, tư thục đang được mở rộng. Đây cũng là một trong những lí do để em theo học ngành Sư phạm.