Vì sao Tử Cấm Thành rộng lớn nhưng không có bóng cây?

Trung Quốc Rộng lớn nhưng hầu hết diện tích Tử Cấm Thành không xuất hiện cây xanh, do nhiều lý do phong thủy và an ninh.

Tử Cấm Thành, hay Cố cung, là hoàng cung của hoàng đế Trung Hoa từ thời nhà Minh đến cuối thời nhà Thanh (từ năm 1420 đến 1924). Quần thể nằm ở khu Đông Thành thủ đô Bắc Kinh, rộng 720.000 mét vuông, gồm 980 tòa nhà và 9.999 phòng. Cung điện minh chứng cho sự xa hoa của các triều đại phong kiến và thể hiện rõ nét kiến trúc cung đình truyền thống, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1987. Ngày nay, Tử Cấm Thành mở cửa từng phần cho du khách tham quan.

Tuy nhiên, với diện tích rất rộng lớn, Tử Cấm Thành lại vắng bóng cây. Du khách đến Cố cung thường gặp cảnh "nắng vỡ đầu" vào mùa hè vì không có cây xanh che bóng mát. Ngoại trừ khu vực vườn Thượng Uyển được trồng nhiều cây cối, phần lớn diện tích Tử Cấm Thành, đặc biệt là ở ba sảnh chính Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa, không được trồng cây. Đó là quy định từ thời phong kiến.

Vì sao Tử Cấm Thành rộng lớn nhưng không có bóng cây?

Tránh hỏa hoạn

Phần lớn các hạng mục của Tử Cấm Thành được làm từ loại gỗ quý. Cung điện này nằm trong danh sách các công trình kiến trúc cổ bằng gỗ được bảo tồn lớn nhất thế giới của UNESCO. Việc trồng cây trong cung có thể gây hỏa hoạn khi thời xưa chưa có nhiều biện pháp chống sét. Nếu xảy ra cháy, rất khó để dập tắt vì thời đó không có nhiều phương tiện cứu hỏa.

Bắc Kinh nằm ở phương Bắc, khí hậu khô, độ ẩm rất thấp, đặc biệt vào mùa đông nên rất dễ xảy ra cháy. Cung Diên Hy, một trong các tòa thuộc hậu viện của hoàng đế, từng bị hỏa hoạn thiêu rụi. Hoàng đế thời xưa phải cho xây dựng nhiều bể chứa nước để phòng hỏa hoạn. Ngoài việc là nơi ở vua và hậu cung, Tử Cấm Thành còn là nơi cất giữ nhiều báu vật và tài liệu quý nên việc phòng cháy rất được chú trọng.

Phòng thích khách

Trước đây, cây xanh từng được trồng ở Tử Cấm Thành nhưng bị xóa sổ sau một vụ mưu sát bất thành. Năm Gia Khánh thứ 18 (1813), một toán thích khách gồm 200 tên cải trang thành thương nhân xâm nhập thành Bắc Kinh để tìm cách giết vua.

Nhóm thích khách chia làm hai nhánh, tiến vào từ cổng Tây Hoa và Đông Hoa. Thị vệ bị bất ngờ nên để chúng chạy thoát tới cổng Long Môn và trèo lên những cây to để áp sát cung Càn Thanh, nơi ở của vua Gia Khánh. May mắn nhà vua khi đó đang đi vi hành bên ngoài kinh thành nên thoát nạn. Sau khi trở về, ông cho ra lệnh chặt hạ toàn bộ cây quanh khu vực ba đại điện ở Tử Cấm Thành. Từ đó, cây cối không được trồng lại ở khu vực này để tránh bị thích khách lợi dụng, ngoài ra, cũng giúp dễ dàng quan sát kẻ lạ đột nhập hơn.

Lý do phong thủy

Vì sao Tử Cấm Thành rộng lớn nhưng không có bóng cây? - 1

Thời phong kiến, các hoàng đế rất coi trọng phong thủy. Khu vực sảnh thuộc hành "thổ", nếu trồng nhiều cây xanh (hành "mộc") sẽ xảy ra xung khắc, mang lại những điều không may mắn. Ngoài ra, bộ "mộc" trong từ cái cây cũng xuất hiện trong từ "khốn", có nghĩa là "nguy khốn, cùng cực", cũng có nghĩa là "vây hãm", ám chỉ nhà vua có thể bị mắc bẫy. Do đó, cây cối bị kiêng kỵ trong cung.

Đảm bảo sự uy nghiêm của hoàng đế

Theo quan niệm của người xưa, vua tượng trưng cho "thiên tử", tức là con của trời. Mọi công trình, sự vật trong hoàng cung cũng không thể cao hơn nơi ở của vua và khu Tiền Triều, điện Thái Hòa. Do đó, cây cối, đặc biệt là các cây cao, đều bị cấm trồng trong Tử Cấm Thành.

Ngoài ra, việc sạch bóng cây giúp tôn lên vẻ uy nghi của vua và triều đình. Từ cổng nhìn vào, người ta chỉ thấy những cung điện nguy nga, tráng lệ, cây cối có thể làm phân tán sự chú ý, mất đi vẻ tôn nghiêm. Trong những buổi lễ quan trọng, không gian thoáng đãng, không có cây cối có thể giúp việc sắp xếp đội quân danh dự ngay ngắn, trang nghiêm hơn. Bên cạnh đó, cây cối còn thu hút chim chóc, điều được xem là cấm kỵ, ảnh hưởng đến sự tôn kính của hoàng đế.

Hà Nguyên (Theo Sohu, Zhihu)