Liên quan đến vụ cô giáo Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, mắng, đe dọa học sinh khiến một nữ sinh quỳ, khóc đến kiệt sức rồi kéo lê em này trước cửa lớp, luật sư Trịnh Đức Tiến, Văn phòng luật sư Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết cơ quan công an đang vào cuộc và sẽ xác minh, làm rõ có hành vi vi phạm pháp luật hay không.
Hình ảnh cô giáo kéo lê nữ sinh quỳ, khóc đến kiệt sức trước cửa lớp xảy ra tại Trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn. Ảnh cắt từ clip
Ở đây, cơ quan chức năng sẽ xem xét làm rõ vì sao học sinh lại bị đuổi ra khỏi lớp, thời gian quỳ bao lâu? Học sinh tự quỳ hay bị ép buộc, giáo viên có biết không?
Trong trường hợp kết quả xác minh có căn cứ cho thấy đã có hành vi làm nhục hoặc hành hạ người khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý, sức khỏe của học sinh, gây ra dư luận xấu cho xã hội, giáo viên có thể bị xem xét xử lý bằng chế tài hành chính hoặc hình sự tùy vào tính chất của vụ việc và hậu quả xảy ra.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy không có hành vi làm nhục, hành hạ người khác, hành vi chưa đến mức xử phạt vi phạm hành chính cũng có thể xem xét xử lý kỷ luật về tác phong, lời nói, ứng xử không phù hợp của giáo viên này gây ra dư luận xấu trong xã hội.
Theo luật sư Trịnh Đức Tiến, hành vi của giáo viên này có dấu hiệu làm nhục người khác. Cụ thể, tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định Tội làm nhục người khác với các hành vi khách quan như sau: Các hành vi có thể thể hiện bằng lời nói hoặc hành động nhằm hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Chẳng hạn thể hiện bằng lời nói như: Sỉ nhục, chửi bới, quát nạt một cách thô bỉ, tục tĩu trước đông người...
Quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT không quy định giáo viên được đuổi học sinh ra khỏi lớp. Lỗi mua bánh không đúng cửa hàng không đến mức bị quát mắng, gây áp lực như vậy.
Luật sư Tiến cho hay theo tâm lý học, nữ sinh trong trường hợp này phải có sự sợ hãi, hoảng loạn khi bị cô mắng vì làm sai ý nên mới dẫn đến kiệt sức như vậy. Hành vi của cô giáo không chỉ vi phạm quy định của ngành giáo dục còn xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của người học.
Khi học sinh quỳ khóc, quỳ gối đến 2 giờ đồng hồ ngoài cửa, cô cũng không có động thái ngăn cản. Đến khi học sinh ngất đi, cô còn có hành vi giằng kéo, quát mắng, đe dọa nữ sinh thậm tệ. Đây là hành vi xâm hại nghiêm trọng đến người học.
Luật sư này đặt vấn đề không biết cô giáo có lợi ích riêng nào trong việc chỉ định cửa hàng đặt bánh sinh nhật hay không?
Ông cũng cho rằng cả Trường THPT Đa Phúc lẫn giáo viên trực tiếp có hành vi không đúng chuẩn mực với học sinh đều đang né tránh bản chất, đơn giản hóa vụ việc nghiêm trọng này.
Yến Anh