4 lý do “nhảy” việc cuối năm thuyết phục nhà tuyển dụng

Cuối năm với nhiều người là thời điểm nhạy cảm để “nhảy” việc. Tâm lý của phần lớn người lao động là mong chờ được nhận khoản lương thưởng sau một năm chăm chỉ cống hiến. Phía nhà tuyển dụng cũng không muốn có sự xáo trộn nhân sự. Tuy nhiên gần đây, tư duy này đang dần thay đổi. Thậm chí nhiều nhân sự còn chọn cuối năm để “nhảy” việc.
1-1701686295.png

Dù là chủ động hay buộc phải “nhảy việc cuối năm thì bạn nên chọn sẵn cho mình lý do hợp lý để thuyết phục nhà tuyển dụng khi kiếm việc làm mới. Dưới đây là 4 lý do bạn có thể tham khảo.

 

Mong muốn nhận thu nhập đúng với giá trị

 

Mong muốn thu nhập tốt hơn chưa bao giờ là xấu. Việc không được trả mức lương tương xứng với giá trị khiến tinh thần làm việc của bạn giảm sút.

 

Bạn có thể thẳng thắn chia sẻ lý do này với nhà tuyển dụng. Tất nhiên, đừng xoáy vào việc “đòi hỏi mức lương và không được đáp ứng” tại doanh nghiệp cũ. Thay vào đó, hãy tập trung vào giá trị, đóng góp của bạn đồng thời mong muốn có thêm động lực để cống hiến nhiều hơn.

 

Ví dụ: “Tôi là người luôn hoàn thành tốt công việc của mình. Trong thời gian làm việc, tôi đã đem về cho công ty số lợi nhuận vượt chỉ tiêu X%. Tuy nhiên, thu nhập nhận được chưa đủ để tạo cho tôi thêm động lực mới. Tôi muốn tìm kiếm nơi phù hợp hơn và tin rằng, nếu có nguồn động lực tương xứng với công sức bỏ ra, tôi sẽ còn làm tốt hơn nhiều”.

 

Chia sẻ như vậy, nhà tuyển dụng chẳng những bị thuyết phục bởi lý do “nhảy” việc mà còn muốn có bạn trong doanh nghiệp của họ.

 

Không phù hợp môi trường làm việc tại công ty cũ

 

Không có môi trường làm việc nào là hoàn hảo. Tuy nhiên, khi bạn đã nỗ lực thích nghi nhưng vẫn không có kết quả thì “nhảy việc là cần thiết. Các nhà tuyển dụng đều hiểu, môi trường tác động rất lớn tới kết quả công việc. Nhưng một cá nhân lại không thể thay đổi cả một môi trường văn hóa đã được hình thành từ trước đó.

2-1701686295.png

Mặc dù vậy, bạn không nên tập trung vào điều tiêu cực mà hãy nói về những nỗ lực thích nghi của mình với môi trường cũ.

 

Ví dụ: Trong quá trình làm việc tại công ty cũ, tôi đã hoàn thành tốt mọi công việc. Tuy nhiên, môi trường có nhiều điều không phù hợp ảnh hưởng tới tinh thần làm việc và động lực cống hiến của tôi. Bản thân tôi đã trình bày, chia sẻ với lãnh đạo cấp trên để tìm giải pháp nhưng không thể thay đổi. Tôi không gắn bó lâu dài ở môi trường như vậy nên muốn tìm một môi trường mới tích cực hơn dựa trên sự hòa hợp về giá trị cốt lõi để gắn bó lâu dài”.

 

Với câu trả lời trên, nhà tuyển dụng sẽ thông cảm với lý do phải rời công ty cũ đồng thời đề cao tinh thần muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp có giá trị phù hợp của bạn. 

 

Công việc không đúng với bản mô tả 

 

Bạn bị mất động lực làm việc do nhiệm vụ được giao không đúng như bản mô tả công việc. Thực tế, trường hợp này không phải là hiếm. Tuy nhiên, bạn cần giải thích thêm cho nhà tuyển dụng hiểu, nếu tiếp tục ở lại công ty cũ thì vừa khiến công việc ảnh hưởng mà năng lực chuyên môn của bạn cũng không được sử dụng tới. Tức cả bạn và công ty cũ đều không có lợi. Do đó, dù là cuối năm, bạn cũng xin nghỉ việc.

 

Bạn có thể nói: “Tôi đã học tập được rất nhiều ở công việc tại công ty cũ. Tuy nhiên tôi muốn tìm được công việc đúng thế mạnh của mình để phát huy và đóng góp giá trị đồng thời thử thách để bản thân có thể tiếp tục phát triển trên con đường sự nghiệp”.

 

Do thay đổi mục tiêu công việc/cuộc sống

 

Mỗi lao động ở từng thời điểm sẽ có mục tiêu công việc và cuộc sống khác nhau. Tùy vào việc ưu tiên mục tiêu nào, bạn sẽ lựa chọn công ty và công việc phù hợp. Lý do này khá khách quan và nhà tuyển dụng sẽ tôn trọng điều đó.

3-1701686295.jpg

Khi mục tiêu là có thêm thời gian chăm sóc gia đình, cho vợ mới sinh, cho con nhỏ… thì bạn phải tìm công ty gần nhà thay vì công ty di chuyển quá xa. Khi mục tiêu là công việc ổn định thì bạn tìm đến doanh nghiệp uy tín, phát triển bền vững. Khi mục tiêu muốn được thử thách, học tập thì bạn tìm đến công ty của nhà khởi nghiệp.

 

Ví dụ: “Tôi thấy rất may mắn vì đã được học nhiều kiến thức và trau dồi hơn bản thân trong thời gian làm việc tại công ty cũ. Tuy nhiên, sau thời gian làm việc, tôi muốn tiến xa hơn nữa, muốn học thêm điều mới để củng cố, nâng cao trình độ. Tôi thấy môi trường và lãnh đạo doanh nghiệp có nhiều điều tâm đắc và muốn học hỏi nên đã kịp thời nắm bắt cơ hội và có mặt tại buổi phỏng vấn hôm nay”.

 

Sự thật là, không có khoảng thời gian nào là lựa chọn tốt nhất để nghỉ việc. Dù cuối năm hay đầu năm, khi bạn đã nỗ lực để thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng không đạt được mục tiêu thì nhảy việc là cần thiết. Chúc bạn sớm tìm được công việc như ý vào những ngày cuối năm này.

 

                                                                                                              Nguyễn Lý