Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ thấy mặt trước hành tá tràng có 1 lỗ thủng đường kính khoảng 0,7 cm, xung quanh ổ loét xơ chai. Do đó, kíp phẫu thuật phải tiến hành khâu kín lỗ thủng, đặt dẫn lưu cùng đồ và dẫn lưu dưới gan phải cho trẻ.
Mẹ của bé D. kể lại, trẻ học tập, sinh hoạt điều độ. Duy chỉ có một điều là bé thích ăn tương ớt, thường xuyên chấm đồ ăn với tương ớt trong mọi bữa ăn…
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý thường gặp ở người lớn có thói quen sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, ăn đồ chua, cay nóng, hay căng thẳng kéo dài, lối sống không điều độ, khoa học… Viêm loét dạ dày tá tràng lâu ngày nếu không được điều trị sẽ gây thủng dạ dày tá tràng. Trẻ em cũng có thể bị viêm loét dạ dày tá tràng do thói quen ăn uống, gây biến chứng thủng dạ dày tá tràng.
Theo các bác sĩ, thói quen ăn đồ cay nóng như tương ớt, gà chiên cay, mì cay…, cộng với việc ăn nhai không không kỹ, hay bỏ bữa... nếu duy trì lâu ngày sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày, thậm chí là thủng dạ dày, tá tràng.
Tính cay, nóng của ớt, tiêu và các gia vị khác… khi ăn nhiều gây tổn thương đến dạ dày. Ví dụ, trong bột ớt có chứa các aflatoxin và các hợp chất N-nitroso, cùng hàm lượng vitamin C, betacarotene tốt cho sức khỏe nhưng có thể kích thích các chứng bệnh đại tràng, gây ra tình trạng đau dạ dày, niêm mạc dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng.
Một số nghiên cứu khoa học cho biết ăn nhiều chất cay và kéo dài có thể dẫn đến ung thư dạ dày, nhất là đối với các loại ớt bột có thuốc nhuộm màu chứa Sudan. Người có bệnh tim mạch và mạch máu não, cao huyết áp, viêm phế quản mạn tính không nên ăn cay, bởi capsaicin trong ớt sẽ làm nhịp tim và tuần hoàn máu tăng nhanh. Người có tiền sử bệnh dạ dày càng cần kiêng cay để hồi phục chức năng tiêu hóa.