Sáng nay ngày 11/11, Trả lời chất vấn của đại biểu Nàng Xô Vi, đoàn Kon Tum về chỉ đạo không dùng văn soạn mẫu trong dạy môn Ngữ văn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định môn Ngữ văn có tầm quan trọng trong việc bồi đắp tình cảm, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người. Trong khi đó, định hướng giáo dục của chúng ta là tăng yếu tố dạy người. Tương tự, ở bậc tiểu học, môn Tiếng Việt cũng rất quan trọng vì trước khi tăng cường năng lực ngoại ngữ, các thế hệ học sinh phải giỏi tiếng Việt.

“Phải ngăn chặn, chấm dứt dạy theo văn mẫu, đặc biệt việc giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn văn mẫu rồi cho học sinh đọc thuộc. Việc này rất tai hại, ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thành của học sinh. Do đó, sắp tới, ngành sẽ có hàng loạt biện pháp để điều chỉnh mang tính chuyên môn. Các công việc kiểm tra đánh giá, dạy học, biên soạn học liệu cũng sẽ được triển khai. Chấm dứt văn mẫu cũng là yếu tố chuyên môn để chấm dứt dạy thêm, học thêm”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Ngay sau đó, câu trả lời đầy tính đanh thép và hùng hồn của bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhanh chóng được lan truyền khắp các nền tảng mạng xã hội và bất ngờ nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ dư luận cũng như đa phần các bậc phụ huynh, các em học sinh ở thời điểm hiện tại.

Nhiều người cho rằng, đáng lẽ, việc chấm dứt văn mẫu phải nên được đề xuất và đưa ra thực từ rất lâu rồi mới đúng. Trên thực tế, văn mẫu là những bài học thuộc lòng, chỉ chứa cảm xúc của một người viết và không thể mang ra dùng làm thước đo cho mọi cảm nhận của hàng loạt học sinh. Việc đọc, học và chép văn mẫu đang ngày càng phá hủy khả năng cảm nhận cũng như cảm thụ văn học của rất nhiều thế hệ học sinh.

Việc dạy và học môn văn đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành nhân cách con người cũng như làm tiền đề cho nhiều công việc khác. Do đó, nếu không sớm chấm dứt ‘định hướng công nghiệp’ cho thế hệ học sinh hiện nay bằng văn mẫu thì rất có thể một ngày nào đó, cảm xúc của ai cũng sẽ ‘méo mó, tròn trịa’ giống hệt một công thức mà chẳng có tính đặc sắc hay nổi bật nào.
Bên cạnh đó, nhiều vị phụ huynh cũng hy vọng đề xuất này nên sớm được thực hiện để con trẻ không bị trói buộc trong những tiêu chuẩn ‘chẵn chằn chặn’ giống như ‘bà ngoại là phải tóc trắng muốt như mây, hàm răng móm mém, bỏm bẻm nhai trầu’, hay là em bé thì phải ‘mắt đen láy, trong veo và khuôn mặt bầu bĩnh đáng yêu’,... Mỗi người có một cảm nhận khác nhau và mỗi cá thể trên cuộc đời này đều là những điều khác biệt. Do đó, văn mẫu chẳng khác nào cái dây trói buộc và làm hạn hẹp trí tưởng tượng của thế hệ học sinh ngày nay lại.

Ngoài ý kiến của phụ huynh, nhiều học sinh cũng vô cùng phấn khởi và hy vọng sẽ sớm được trải nghiệm ngày ‘nói không với văn mẫu’. Bởi nhiều em cho rằng, đã không ít lần ý tưởng đầy táo bạo mà ấn tượng của mình bất ngờ bị gạt phăng đi và nhận điểm kém chỉ vì những tiêu chuẩn đã mang tính khuôn mẫu luôn luôn phải áp dụng trong việc học và làm văn. Những bài thi đầy cảm xúc nhưng vẫn ‘ăn trứng ngỗng’ vì khác xa so với đáp án. Cảm nhận văn học của mỗi người là một mà chấm thi thì lại ‘chiểu theo’ đáp án, khuôn mẫu nhất định mà thiếu đi sự linh hoạt khiến nhiều nhân tài bị lãng quên, bị bỏ sót. Liệu đó có phải là hệ quả duy nhất đến từ văn mẫu?

Hiện tại, ý kiến muốn ‘dẹp bỏ’ văn mẫu trong tương lai của bộ trưởng bộ GD&ĐT đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh cũng như thế hệ học sinh hiện nay.