Ông Nguyễn Vũ Hào (46 tuổi, sống ở Cà Mau) bị rụng tóc nhiều đến mức vùng hai bên trán và đỉnh đầu ngày càng thưa thớt. Suốt nhiều năm qua, ông buồn rầu khi thấy tóc ngày càng ít và dần trở nên hói. “Tôi đã thử rất nhiều cách, từ ủ dầu tự nhiên đến làm tiêm hoạt chất kích thích mọc tọc, tiêu tốn hàng chục triệu đồng nhưng tóc thì vẫn ngày càng rụng nhiều hơn”, người đàn ông chia sẻ với Tri Thức - Znews. |
Không bỏ cuộc, người đàn ông quyết định lên Bệnh viện Da liễu TP.HCM để tìm cách chữa rụng tóc. ThS.BS Nguyễn Vũ Huân chẩn đoán ông Hào bị rụng tóc nặng các vùng hai bên trán và đỉnh đầu. Với tình trạng này, phương pháp điều trị hiệu quả nhất chỉ có thể là cấy tóc trực tiếp lên vùng da bị hói. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn, người đàn ông đồng ý làm thủ thuật này để điều trị dứt điểm. |
Trước khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ cạo sạch tóc vùng da đầu và đánh dấu vào khu vực cấy tóc. Để thực hiện phương pháp FUE (chiết cụm nang tóc), bác sĩ sẽ lấy nang tóc từ vùng da sau đầu và cấy trực tiếp chúng đến vùng tóc bị rụng hay vùng hói. Dự kiến, khoảng 2.000 nang tóc sẽ được ghép vào vùng da bị mất tóc. |
"Qua bước này là không còn đau nữa đâu, anh cố lên!", bác sĩ Huân vừa nói, tay vừa tiêm thuốc tê lên vùng da đầu. Ông Hào cố nén đau, nằm yên hợp tác với bác sĩ nhưng chốc chốc vẫn run bật người mỗi khi kim tiêm đưa vào. |
30 phút sau khi tiêm thuốc tê, ê-kíp đã sẵn sàng bắt đầu làm thủ thuật. Bác sĩ dùng máy chuyên dụng với đầu kim bé xíu, cẩn thận lựa chọn và tách từng nang tóc khỏe trên da đầu. Vùng da đầu sau khi tách nang sẽ không còn mọc lại tóc như trước. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ cân đối số lượng nang tóc lấy ra mỗi vùng, vẫn đảm bảo không làm mất thẩm mỹ. |
Thiết bị sử dụng cho thủ thuật này là máy chuyên dùng tách nang tóc với đầu kim chỉ 0,9 mm. Để có thể tách chính xác từng nang tóc, bác sĩ Huân cần thêm sự hỗ trợ của kính vi phẫu. Sau khi tách, từng nang tóc được các phẫu thuật viên cẩn thận dùng nhíp gắp ra rồi lọc lại bằng rây. Với phương pháp chiết cụm nang tóc, bác sĩ không cần phải lấy một mảnh da dài và lớn vùng sau đầu mà có thể lấy trực tiếp nang tóc từ vùng da này. Điều này giúp hạn chế nguy cơ tạo sẹo về sau. |
Trong khi các bác sĩ miệt mài tách và gắp nang tóc, ở ngay phòng thủ thuật bên cạnh, hai điều dưỡng được giao nhiệm vụ phân loại nang tóc. Mỗi nang tóc lấy ra có thể có tới 2-3 sợi. Các điều dưỡng cần phân loại nang đơn (chỉ có 1 sợi tóc) và nang đôi, nang ba (có từ 2 sợi trở lên). |
Vì mỗi nang tóc có kích thước rất nhỏ, các điều dưỡng phải khéo léo sử dụng linh hoạt nhíp và dao nhỏ để phân loại. Bàn phân loại nang tóc được kê thêm đá khô y tế và trải nylon phía trên, giúp giữ nhiệt độ thấp ổn định, đảm bảo chất lượng nang tóc tốt nhất. |
Nang tóc được bảo quản với dung dịch chuyên dụng bên trong máy làm lạnh. Tại đây, nhiệt độ luôn được duy trì dao động 1-3 độ C để đảm bảo chất lượng nang tóc tốt nhất. |
Nang tóc sau khi phân loại và bảo quản lạnh sẽ được ghép lên da đầu. Điều khó khăn nhất ở công đoạn này là bác sĩ phải xác định hướng tóc mọc cũng như vị trí da đầu để cấy nang tóc phù hợp, tránh tình trạng tóc mọc lởm chởm, không đều trong tương lai. |
Bác sĩ Huân và ê-kíp miệt mài thực hiện ca cấy tóc suốt 10 giờ, đứng liên tục từ sáng đến chiều tối mới hoàn tất thủ thuật. |
Ông Hào trước và sau khi cấy tóc 3 ngày. Chi phí cho lần cấy tóc này là hơn 70 triệu đồng. Sau thời gian này, ông có thể về nhà theo dõi và quay lại tái khám trong vòng một tháng tới. Thời gian để nhìn thấy được kết quả tóc mọc có thể kéo dài 3-6 tháng, thậm chí một năm. Bên cạnh phương pháp cấy tóc thường có chi phí tương đối cao, tùy theo tình trạng rụng tóc, người bệnh có thể lựa chọn những cách điều trị khác như laser, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP), tiêm corticosteroids... |