Cho con đi du học sớm: Cơ hội để con trưởng thành hay nỗi ân hận lớn nhất của cha mẹ?

'Mỗi lần ra đường, con ông về nhà lại than thở sao người Việt thế này, thế kia. Ông chỉ còn biết nói đó là cách sống, là văn hóa con phải quen nhưng tất cả đều vô nghĩa khi các con vẫn sợ chính quê hương của mình'.

Du học sớm được ví như “cây non trước bão”

 

Ở độ tuổi 15 – 16, giai đoạn phát triển nhân cách, tính cách cự kỳ nhạy cảm nên trẻ cần có sự quan tâm, hướng dẫn từ các bậc phụ huynh. Việc đi du học và tự mình trưởng thành ở môi trường mới có thể học sinh chưa thể tự mình hình dung ra được cũng như chưa xác định được mục tiêu của mình, bởi thế ở lứa tuổi này để cho con đi du học thì chẳng khác nào đem “cây non ra trước bão”.
 

Phụ huynh cần chuẩn bị kỹ càng khi quyết định cho con du học sớm

 

Thực tế cho thấy, không ít du học sinh Việt Nam đã “shock” trước trước phương pháp giảng dạy khác biệt với ở Việt Nam. Điều này là còn chưa kể đến những khác biệt trong văn hóa, lối sống, nhất là sự khác biệt và bất đồng về ngon ngữ có thể trở thành những rào cản trên hành trình du học của học sinh. Đặc biệt, du học ở độ tuổi THPT khi khả năng tự lập của các học sinh, nhất là con em có điều kiện được bảo bọc từ nhỏ vẫn còn yếu sẽ là khó khăn, mạo hiểm cho con em đi du học sớm kiểu “đi đi, tới đâu hay đó”.
 
Vì thế, hơn ai hết các bậc phụ huynh cần cân nhắc, xem xét thực lực khách quan, chủ quan cũng như tìm hiểu kỹ và cần chuẩn bị định hướng tốt cho trẻ khi quyết định cho con đi du học sớm.

Và trước “cơn bão đó”, sẽ có hai khả năng xảy ra: Một là với sức trẻ, các em sẽ vươn lên để hòa nhập, để thích nghi và thành công; hai là trẻ sẽ bị cô lập, co rúm và sợ hãi có thể dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc. Và thực sự, ở trường hợp thứ nhất, trẻ phải thực sự bản lĩnh. Tuy nhiên, với vốn sống còn quá mỏng, nền tảng văn hóa cội nguồn, kỹ năng sống chưa đủ mạnh khiến các em dễ bị hòa tan.
 

Con xa dần bố mẹ

 

Ông H., Tây Hồ, Hà Nội là một bác sĩ đầu ngành ở Hà Nội, là bác sĩ ngoại khoa và đã từng đi du học ở nước ngoài. Ông H. nghĩ sẽ cho con mình một môi trường giáo dục tốt nhất. Vợ ông một người làm cùng  ngành của ông nhưng làm ở mảng tư nhân nên cũng có điều kiện. Ông bà hiểu những gì họ nhận được nếu cho con học ở Việt Nam. Chương trình học, cách giáo dục sẽ khiến con họ thui chột.
 
Hai vợ chồng ông H. bàn nhau cho các con đi du học sớm. Từ cấp 2, hai con trai của ông đã được bố mẹ cho sang Mỹ học. Các cháu học ở bên đó và được hỗ trợ từ bố mẹ về tài chính không phải lo nghĩ gì ngoài việc học.
 
Ông H. không than vãn gì về việc học hành của các con. Tuy nhiên, ông cảm thấy mình đã dần mất con. Ở tuổi 60 khi đã về hưu, ông sống một mình trong cô đơn. Ai hỏi vì sao, ông chỉ biết ngậm ngùi, vợ ông muốn sống cùng các con và bà đã sang Mỹ còn ông muốn ở lại Việt Nam và lủi thủi một mình.
 
Mọi người thân thiết ở quê cũng dần xa cách với các cháu vì ai cũng sợ cái mác Tây học của chúng.

Ông H. tâm sự về những tháng năm các con dần xa bố mẹ. Thời gian đầu các cháu nói chuyện với bố mẹ rất nhiều rồi thưa dần, thưa dần. Sống ở nước ngoài quá lâu, các cháu quay lại chê quê hương. Mỗi lần về Hà Nội, cháu rất ngại về quê thăm người thân họ hàng bởi các cháu chê những phong tục tập quán ở quê rườm rà. Có lần về quê viếng đám ma, nhân dịp các con về nghỉ hè, ông H. phải nói mãi con mới chịu về nhưng khi về tới nơi các cháu cho rằng đám ma quá hủ tục nọ kia. Ông đành muối mặt với họ hàng ở quê. 
 
 
Ông H. kể, về Việt Nam chỉ bữa cơm gia đình ông đã cảm thấy mình thật sự mất con. Chúng đòi ăn mỗi đứa một bát nước chấm. Bất cứ thứ gì chúng cũng chê bẩn và lo sợ bệnh tật. Chỉ đơn giản là bát nước chấm, ông H. cho rằng mọi người chấm chung là văn hóa của người Việt Nam nhưng với con ông thì không đó là sự bẩn thỉu, truyền bệnh tật.
 
Mỗi lần ra đường, con ông về nhà lại than thở sao người Việt thế này, người Việt thế kia. Ông chỉ còn biết nói đó là cách sống, là văn hóa con phải quen nhưng tất cả đều vô nghĩa khi các con vẫn sợ chính quê hương mình.

Cô đơn vì cho con đi du học


Những khác biệt văn hóa khi chúng sống ở nước ngoài quá lâu, ông H. hiểu vì lúc trước khi ông đi du học ông cũng thấy điều đó nhưng về nước ông hòa hợp ngay còn con ông, chúng không muốn về nước.

Bằng mọi cách, hai con trai ông cố ở lại nước ngoài. Ông động viên nhưng con ông không về vì chúng không thích cách sống của người Việt. Những kỳ nghỉ hè thưa dần. Nếu trước đây mỗi năm con về nước 1 lần thì thời gian ngắt quãng 2 năm, 3 năm. Gần đây, con ông tuyên bố sẽ tìm mọi cách để có thẻ xanh ở lại Mỹ. Con trai lớn của ông lập gia đình với cô gái người Mỹ gốc Việt và 4 năm nay chưa về quê.

Nhớ con, vợ ông H. về hưu cũng sang Mỹ ở với con. Mỗi năm ông qua thăm con cháu 1 lần. Còn lại ông ở nhà một mình. Để giết thời gian, ông đi làm thêm cho các bệnh viện tư ở Hà Nội kiếm tiền. Mỗi lần ai nói về du học hay hỏi về tình hình các con, ông H. lại thở dài “nỗi ân hận lớn nhất của tôi là cho con đi du học sớm để rồi mất con”.
 

“Cứng cáp - Vươn lên” để thành công

 

“Phép màu là đi xa để trở về và hoàn toàn thay đổi.” Bố mẹ khi đã định hướng và chuẩn bị hành trang cho trẻ bước chân ra môi trường mới, hãy để trẻ mạnh dạn bước ra khỏi vòng tròn an toàn để học tập và khám phá những điều kỳ diệu từ các nước có nền giáo dục hàng đầu.
 
Du học sớm là bước ngoặt khó khăn nhưng cũng là điều cần thiết để trẻ dễ dàng thích nghi với môi trường mới và tạo điều kiện hoàn hảo cho các em phát triển toàn diện, tự tin mở cửa thế giới. Với các chương trình học được thiết kế toàn diện và bổ dành riêng cho sự phát triển đầy đủ về thể chất lẫn trí tuệ, các du học sinh sẽ nhanh chóng hòa nhập cuộc sống cộng đồng.
 
Du học sớm từ bậc THPT sẽ giúp du học sinh có những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với bậc đại học để giúp các em phát triển toàn diện và mở rộng giao tiếp với bạn bè trên toàn thế giới.
 
Đặc biệt, du học sinh dễ dàng hơn để nâng cao khả năng ngôn ngữ, hoàn thiện bản thân và có những định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp tương lai trước khi chính thức bước vào giảng đường đại học.
 
Du học sớm – thành công sớm nhưng bên cạnh các yếu tố về địa điểm, chất lượng giáo dục, an ninh an toàn thì làm sao để con mình đủ “cứng cáp” khi sống xa nhà, có đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ khi không có bố mẹ ở bên vẫn luôn là nỗi lo, băn khoăn khi cân nhắc cho con đi du học ở lứa tuổi phổ thông.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/07/09/Watch - Khám phá_09072019143146.mp4[/presscloud]
Cho con đi du học sớm, nên hay không?

Xem thêm: Xót xa hình ảnh nam sinh ngồi bệt ven đường, ánh mắt thẫn thờ sau khi kết thúc môn thi THPT Quốc gia

Hồng Nhung (t/h)