Nhà hàng bún đậu mắm tôm lọt top bình chọn trên báo Mỹ
Vài ngày gần đây, vợ chồng chị Nhung Đào (35 tuổi) và anh Jerald Head (31 tuổi) - chủ quán bún đậu mắm tôm hiếm hoi tại New York (Mỹ) liên tục nhận được những cuộc điện thoại phỏng vấn từ truyền thông hay lời chúc mừng, khen ngợi của người thân, bạn bè, thực khách. Lượng khách tìm tới quán ăn cũng đông thấy rõ khiến cặp đôi "làm việc không ngơi tay".
"Mới đây, quán Mắm NYC của chúng tôi vinh dự được xếp vị trí thứ 26 trong top 100 nhà hàng ngon nhất thành phố New York do tờ The New York Times bình chọn. Chúng tôi là nhà hàng duy nhất bán món Việt nằm trong danh sách", chị Nhung chia sẻ với phóng viên VietNamNet.
"Mỗi ngày mở bán, chúng tôi phục vụ thực khách khoảng 100 suất bún đậu mắm tôm đặc biệt. Thực khách không chỉ là du học sinh Việt, các cô bác Việt kiều mà còn rất nhiều người Mỹ. Nhiều người bắt đầu "nghiện" món mắm "khó ngửi" của Việt Nam", chị Nhung hài hước nói thêm.
Quán bún đậu mắm tôm xuất hiện trên tờ The New York Times
Hiện, quán bún đậu mắm tôm của cặp đôi Việt - Mỹ này nằm ở ở phía đông nam Mahattan, chỉ mở từ 17h đến tới 20h30 chiều thứ 6 và từ 12h đến 16h ngày thứ 7 và Chủ nhật. Mỗi suất bún đậu mắm tôm được bán với giá 32 USD (tương đương 800.000 đồng).
Bún đậu được bày biện trên chiếc mẹt đan tre, bên dưới lót lá chuối. Mỗi suất đặc biệt gồm bún, đậu rán, chả cốm, lòng nướng, dồi luộc, thịt lợn và rau thơm, mắm tôm. Những ngày thời tiết đẹp, chủ quán còn kê ghế nhựa dọc vỉa hè để... thực khách trải nghiệm ăn bún đậu vỉa hè "chuẩn Việt Nam".
"Những chiếc ghế nhựa này hoàn toàn là đồ sản xuất tại Việt Nam được chúng tôi mang sang Mỹ", chị Nhung cho hay.
Mang bún đậu mắm tôm vỉa hè từ Việt Nam đến New York
Jerald Head là một đầu bếp người Mỹ. Năm 20 tuổi, anh lần đầu tiên thưởng thức bún bò Huế của Việt Nam. Món ăn thơm ngon, khác lạ, được kết hợp hài hòa giữa nhiều nguyên liệu khiến Jerald phấn khích, tò mò. Sau đó, chàng trai Mỹ liên tục tìm kiếm thông tin, đọc sách và tự học làm món Việt. Giai đoạn 2014 - 2015, Jerald Head bắt đầu làm việc ở một nhà hàng món Việt Nam ở New York. Anh gặp gỡ với một đồng nghiệp người Việt tại đây.
"Tôi càng ngày càng tò mò về Việt Nam và hương vị đích thực của những món ăn tại Việt Nam. Tháng 10/2016, tôi sang Việt Nam ba tháng để du lịch, trải nghiệm ẩm thực từ Nam ra Bắc", anh Jerald kể lại.
Khoảng 3 năm sau đó, anh Jerald trở lại Việt Nam nhiều lần, đồng thời cũng quen và yêu vợ của anh hiện tại, chị Nhung Đào. Khi gặp gỡ ở TP.HCM, cặp đôi thường xuyên hẹn nhau tại quán bún đậu mắm tôm.
"Thật khó tin nhưng hai đứa luôn ăn hết 3 suất bún đậu đặc biệt. Anh Jerald khiến ai cũng thích thú vì ăn mắm tôm ngon lành, thậm chí nghiện hương vị của loại mắm này", chị Nhung kể.
Năm 2020, sau khi kết hôn, chị Nhung theo chồng sang New York sống và làm việc. Thời điểm này, Covid-19 đang bùng phát phức tạp. "Ở Mỹ việc kiếm nơi bán bún đậu mắm tôm đã rất khó mà trong dịch bệnh thì càng khó hơn. Vì quá thèm món ăn này nên vợ chồng tôi mày mò tự làm tại nhà", chị Nhung kể.
Khi họ chia sẻ hình ảnh món bún đậu trên mạng xã hội, rất nhiều bạn bè quan tâm và chia sẻ. Tháng 9/2020, cặp đôi bắt đầu mở bán bún đậu tại cửa tiệm của một người bạn vào tối thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật.
"Chúng tôi rất bất ngờ vì quán vừa mở đã đông khách. Điều ấy làm chúng tôi rất vui, được sống với đam mê", cặp đôi chia sẻ. Tuy nhiên, sau đó chị Nhung mang thai, anh Jerald quyết định tạm dừng quán bún đậu. Anh trở về làm việc ở vị trí bếp trưởng trong một nhà hàng món Việt khác tại New York.
Một thời gian sau, cặp đôi quá "nhớ nghề" nên quyết tâm gắn bó với món bún đậu mắm tôm. Hằng tuần, ngày thứ hai, cặp đôi dành riêng thời gian chăm sóc con nhỏ. Từ thứ ba tới thứ năm, anh Jerald tính toán hóa đơn, nhập hàng, chuẩn bị nguyên liệu... Các món đậu, chả cốm, dồi heo hai vợ chồng đều tự chế biến.
Đậu phụ do anh Jerald tự làm và làm ngày nào, bán ngày đó. Trung bình mỗi ngày mở bán, anh thực hiện 30kg đậu phụ. Đầu bếp người Mỹ làm đậu bằng chiếc máy nặng 60kg mang từ Việt Nam sang. "Chúng tôi đã thử những loại đậu phụ ở Mỹ nhưng chúng quá làm quá công nghiệp, không có độ mềm, béo mà thường bị khô, cứng", cặp đôi cho biết. "Quá trình làm đậu kì công, nào xay hạt, nấu chín, ép thành miếng... nhưng có thể mang lại hương vị chuẩn Việt nhất", chị Nhung nói.
Món dồi còn mất thời gian hơn so với đậu phụ. Sau khi mua lòng về, anh Jerald phải sơ chế, rửa rất nhiều lần để khử mùi hôi, sau đó nhồi nguyên liệu tiết heo, mỡ heo... theo công thức mà bố chị Nhung chỉ dạy. "Để món ăn không quá nhiều dầu mỡ, dễ ngán, chúng tôi luộc chứ không rán", đầu bếp Mỹ cho hay.
Mắm tôm vợ chồng Jerald sử dụng là mắm tôm xuất xứ Thanh Hóa. Theo chị Nhung, tại các siêu thị Mỹ hiện nay cũng bày bán mắm tôm nhưng không có loại thực sự ngon như anh chị mong muốn. Do đó, họ đặt mắm từ Thanh Hóa chuyển vào TP.HCM rồi trực tiếp mang sang Mỹ. Như kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, khi từ Việt Nam trở lại Mỹ, cặp đôi mang theo 100 lít mắm tôm. Tới nay, lượng mắm đã sắp hết. Mỗi bát mắm được pha với đường, nước cốt chanh và ớt Thái.
Chả cốm được làm từ cốm tươi Hà Nội
Bún sử dụng vốn là bún khô, sau đó được anh Jerald luộc, tự ép sợi bún rối thành bìa và cắt thành hình vuông nhỏ, mô phỏng bún lá Việt Nam. Các loại rau sống tươi như diếp cá, tía tô, húng cây… ăn kèm trong mẹt bún đậu được mua hàng tuần. Loại rau này được trồng tại một bang có khí hậu tương đồng Việt Nam. Dẫu vậy, giá rau sống rất đắt.
"Thực sự việc làm một mẹt bún đậu ở New York rất mất công, tốn kém nên mức giá cao gấp nhiều lần Việt Nam", chị Nhung cho hay.
Trong bài viết trên The New York Times với tựa đề "Mam Serves the Most Exciting Vietnamese Food in New York" (tạm dịch là Nhà hàng phục vụ món Việt Nam hấp dẫn nhất New York), tác giả Pete Wells miêu tả đậu phụ có lớp vỏ ngoài giòn rụm, bên trong ăn khá giống phô mai mozzarella, ngon hơn những loại đậu phụ anh từng ăn qua. Trong mẹt bún đậu, dồi heo là món anh yêu thích nhất. Tác giả này còn thấy phấn khích khi nhà hàng xếp bàn ghế nhựa ở vỉa hè, tạo cảm giác "như đang ăn trưa ở Hà Nội".
Vợ chồng chị Nhung cho biết, nhiều nhà hàng món Việt tại nước ngoài có thể biến tấu chút ít để khiến món ăn phù hợp hơn với người bản địa. Tuy nhiên, anh chị lại mong muốn mang trọn vẹn hương vị món ăn Việt Nam tới Mỹ. Với tình yêu món Việt của mình, anh Jerald dự kiến sẽ sẽ mở thêm chi nhánh và giới thiệu nhiều món ăn khác của Việt Nam.