Day dứt với tình đầu

Lần nào về quê, ông Tùng cũng ra mé sông, nhìn về phía nhà người yêu đầu đã có chồng để hoài niệm những kỷ niệm cũ, rồi hát trong cơn say.

Ông Nguyễn Xuân Tùng (65 tuổi, hiện ở Cà Mau) thừa nhận hơn 40 năm chưa thể quên được mối tình đầu với người con gái cùng làng ở Nghệ An.

Ở tuổi 18, Tùng yêu một cô gái cùng làng. Họ yêu xa bốn năm khi anh vào đại học. Tốt nghiệp, chàng trai nhận quyết định vào công tác miền Nam. Tùng khuyên người yêu đi cùng mình nhưng cô gái từ chối vì không muốn xa quê, xa cha mẹ già. Vài năm sau họ chính thức chia tay.

Ngoài 20 tuổi, thuở đó ở quê cô gái đã bị coi là "quá lứa". Cô đến với một người đàn ông cùng làng từng có một đời vợ và nuôi con riêng của chồng. "Tôi luôn day dứt vì mình không đủ mạnh mẽ nên để hôn nhân của cô ấy không trọn vẹn", ông Tùng, sau đó trở thành một giám đốc doanh nghiệp nhà nước ở Cà Mau, nói.

Ông lập gia đình với một cô gái đất Mũi, có tài sắc, con cái đủ nếp tẻ nhưng chưa bao giờ thấy hạnh phúc trọn vẹn. Mỗi lần về quê, cứ chiều xuống ông lại chếnh choáng hơi men ra cầu sông nơi hai người từng hẹn hò để ôn kỷ niệm cũ. Vài lần ông gặp tình đầu, nỗi thương nhớ trào dâng, lòng bị dày vò vì cảm thấy có lỗi.

Tình đầu khiến nhiều người khó quên, sống trong tiếc nuối và day dứt cả đời. Ảnh minh họa: Phạm Nga

Tình đầu khiến nhiều người khó quên, sống trong tiếc nuối và day dứt cả đời. Ảnh minh họa: Phạm Nga

Chị Minh Hà, 37 tuổi, ở Hà Nội từng phải tìm chuyên gia tâm lý vì trầm cảm do không thể quên được tình đầu. Minh Hà có mối tình với bạn trai cùng lớp từ thời học cấp 2. Khi thi đại học, chàng trai đỗ còn cô trượt. Năm thứ hai đại học, chàng trai có người mới, chủ động chia tay. Cô gái tự ti nên không níu kéo và quyết định kết hôn với người mình không yêu.

Khi bạn trai cũ lập gia đình, cô nhận ra vẫn rất yêu anh. "Tôi thường xuyên ngủ mơ về anh ấy. Khóc đẫm gối khi tỉnh lại. Tôi tiếc vì không đấu tranh bảo vệ tình yêu", Hà kể với chuyên gia tâm lý.

Cô chu toàn cuộc sống gia đình hiện tại nhưng không thấy hạnh phúc. Hà tìm đủ mọi cách để quên tình cũ nhưng càng cố quên cô lại càng nhớ, càng mơ. "Trong mơ tôi được yêu, được sống trong tình yêu ấy", cô tâm sự. Cuộc đấu tranh giữa cảm xúc và lý trí triền miên khiến Hà rơi vào khủng hoảng tâm lý.

Trong một khảo sát của VnExpress với 1.300 độc giả, 20% giống như ông Tùng hay Minh Hà, vẫn nhớ và day dứt với tình đầu, 57% thi thoảng vẫn nhớ đến nhưng không làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại.

Theo chuyên gia tâm lý, trải nghiệm tình yêu đầu không giống bất cứ điều gì bạn từng có nên dễ trở thành một thứ vĩnh viễn trong ký ức. Không những thế, tình đầu thường đến ở tuổi trẻ, thời điểm trí nhớ của con người tốt nhất, nên ký ức sống động và rõ nét nhất. "Mối tình đầu khó quên vì nó để lại 'dấu ấn' trên các vùng cảm giác trong não", Joseph Bordenlon, cố vấn hôn nhân (Mỹ), lý giải.

Chuyên gia trị liệu hôn nhân Vera Hà Anh (Hà Nội) lý giải nhiều người có tâm lý "con cá mất là con cá to", khi không đến được với người từng yêu sẽ nảy sinh tiếc nuối. "Mối tình nào càng sâu sắc hoặc gây sốc tinh thần thì người ta lại càng khó quên chứ không hẳn tình đầu", bà Hà Anh nhận định.

Chưa có nghiên cứu cụ thể tình đầu dang dở như thế nào khiến người ta khó quên nhưng theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (TP HCM), những trường hợp day dứt thường giống ông Tùng, vẫn còn yêu, còn thương mà không đến được với nhau do khoảng cách địa lý hay bị gia đình chia cắt.

Bà Tâm cho rằng nhớ đến ký ức đẹp thuở thanh xuân, tâm hồn con người như được tưới tắm, thấy êm dịu và lãng mạn để vượt qua cuộc sống thực tại khó khăn, nhàm chán. "Những người khó quên tình đầu hay so sánh người cũ với người mới. Nếu bật ra thành hành động hoặc lời nói sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ hiện tại khiến vợ hoặc chồng tổn thương", bà nói.

Ông Tùng lưu luyến tình đầu đến độ lần nào về quê cũng say khướt, gọi tên tình cũ. Trong gia đình ông, mọi người đều biết về mối tình đó và hay nhắc trước mặt vợ con ông. "Tôi biết mình làm vợ và các con đau khổ nhiều, nhưng khi say, tôi không còn làm chủ được mình nữa", ông thừa nhận. Ông thường so sánh người cũ với vợ và tìm cách áp đặt lối ăn mặc, ứng xử của người cũ lên thành chuẩn mực cho vợ, khiến người phụ nữ hiện tại ngột ngạt. Hạnh phúc của họ chỉ là vỏ bọc.

Theo chuyên gia Vera Hà Anh, mỗi người có cách chuyển hóa nỗi nhớ tình đầu khác nhau. Có người biến thành sức mạnh hoàn thiện bản thân, để người cũ tự hào vì từng yêu người như mình, nỗ lực thành công để đối phương phải tiếc nuối hoặc sân hận để rồi đánh mất niềm tin vào tình yêu. "Nhiều người để nỗi nhớ tình đầu dâng quá cao, khi có cơ hội gặp gỡ như họp lớp, sinh nhật, ăn cưới dễ khiến 'tình cũ không rủ cũng tới'", bà cảnh báo.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng (37 tuổi, ở TP HCM) gặp lại mối tình đầu trong buổi họp lớp. Những ký ức thuở xưa ùa về, làm anh hồi tưởng suốt đêm. Ban đầu, Dũng chỉ mơ tưởng quá khứ nhưng trong một lần cãi nhau với vợ, anh nhận được tin nhắn của bạn cấp 3 rủ đi hát karaoke, trong đó có người yêu cũ. Những ngày sau đó, họ liên tục nhắn tin cho nhau và cùng ký đơn ly hôn.

Các chuyên gia khuyên đừng cố kết nối lại với tình đầu, đặc biệt nếu hai người đã có hai cuộc sống khác nhau bởi rất có thể bạn đang níu kéo một người hoàn toàn khác với họ trong quá khứ. "Đừng đưa cảm xúc hiện tại vào chuyện cũ, chỉ nên xem đó là một đoạn đường đời. Khi bạn đã chia tay nghĩa là mối tình đó có vấn đề hoặc hết tình cảm rồi", bà Tâm nói.

Chuyên gia Vera Hà Anh cũng nhận định người đi ngang qua đời chúng ta rất nhiều, nói yêu có thể cũng có đôi ba người, nhưng sẵn sàng cùng ta tới cuối đời chỉ có một. "Đừng vì hoài niệm quá khứ mà đánh mất hiện tại tốt đẹp", bà khuyên, giúp Minh Hà thức tỉnh.

Ông Tùng nhận ra điều đó khi đi quá nửa đời người. "Lúc ốm đau, sa cơ lỡ vận, chỉ vợ bên mình chứ người cũ chẳng biết mà hỏi thăm. Tôi đã bỏ lỡ quá nhiều khoảnh khắc trong thực tại", ông ân hận. Giờ đây, mỗi sáng, ông lại cùng vợ đạp xe vòng quanh thành phố, ngắm bình minh lên. Ông bế cháu ru, thay vì hát những lời day dứt về tình đầu.